Thị trường chữ ký số, chờ đến bao giờ?
Xe++ - Ngày đăng : 07:56, 24/07/2010
Chỉ có VNPT khởi động!
Việc sử dụng chữ ký số sẽ bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử.
Trên thế giới, dịch vụ ứng dụng CKS đã phát triển được gần 10 năm. Ở nước ta, phải đến tháng 9-2009, giấy phép đầu tiên cung cấp dịch vụ này mới được Bộ TT-TT cấp cho Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đến thời điểm này, ở nước ta dịch vụ CKS được triển khai mạnh trong ngành thuế để thu thuế qua mạng. Việc nộp thuế qua mạng giúp cho DN không phải đến cơ quan thuế để nộp hồ sơ, vì khi đó có CKS là công cụ thay cho con dấu, chữ ký và bảo đảm tính pháp lý của hồ sơ. Không chỉ ngành thuế, các hoạt động khai hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng, cấp xuất xứ hàng hóa hay thương mại điện tử cũng cần CKS để bảo đảm tính pháp lý và bảo mật giao dịch. CKS được kỳ vọng sẽ giúp cho các DN đẩy nhanh giao dịch trực tuyến, trong ứng dụng chính phủ điện tử và thương mại điện tử.
Là đơn vị đầu tiên được cấp phép triển khai dịch vụ, nhưng đối với cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT), từ năm 2005 VNPT đã tiên phong mở đường bằng việc chuẩn bị hạ tầng để thử nghiệm cung cấp dịch vụ này... Năm 2007, VNPT đã triển khai CKS cho Bộ Tài chính vào các ứng dụng dịch vụ của ngành thuế, hải quan, chứng khoán... Do đặc thù, ngành tài chính rất cần các ứng dụng về CKS, nên thực tế giữa VNPT và các đơn vị của Bộ Tài chính đã có sự hợp tác về CKS… Cũng bởi lý do này mà cho đến nay, trong cả nghìn DN khách hàng của VNPT đã triển khai CKS chủ yếu thuộc ngành tài chính. Được biết, khi triển khai CKS cho các đơn vị này, VNPT miễn phí cung cấp dịch vụ là chủ yếu. Vừa qua, VNPT đã ký kết để trở thành nhà cung cấp chứng thực CKS cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Ngoài VNPT, Bộ TT-TT đã cấp giấy phép cho 3 đơn vị khác, là Bkav, Nancencomm và Viettel. Tuy nhiên, đến nay, 3 nhà cung cấp này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị hạ tầng, sẵn sàng cung cấp dịch vụ…
Chưa nhiều ứng dụng
Dịch vụ CKS dù đã chính thức được công nhận và thị trường đã hình thành gần một năm nay, thêm vào đó các văn bản quy phạm pháp luật để phát triển cho thị trường này cũng đầy đủ, nhưng dư luận vẫn cho rằng việc triển khai CKS tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thị trường vẫn trong tình trạng "án binh bất động"?! Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), đơn vị được VNPT giao trực tiếp triển khai CKS, thì việc triển khai CKS chưa như mong muốn là do 3 yếu tố. Thứ nhất, là nhận thức chưa đầy đủ của lãnh đạo DN về tầm quan trọng của ứng dụng CKS và tác dụng của nó trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ… Do vậy, họ dè dặt với loại hình ứng dụng công nghệ cao này, ngay cả khi nhìn thấy lợi ích của nó (CKS giúp DN, cá nhân không phải mất thời gian đi lại đến cơ quan có trách nhiệm, chẳng hạn ngành thuế, hải quan). Thứ hai, không ít người do chưa hiểu đầy đủ tính bảo mật của loại hình này, nên lo ngại sẽ bị hacker tấn công và có thể thay đổi CKS… Song CKS là công nghệ dựa trên thuật toán đã được mã hóa, nên khả năng rủi ro rất thấp. Hơn nữa, đến nay công nghệ này đã có quá trình phát triển và giữ được tính ổn định, dễ cho người sử dụng, hoặc nói cách khác CKS chỉ là đoạn dữ liệu, nó không giống như đường truyền, nên không bị virus phá hoại. Thứ ba, là vẫn thiếu môi trường cho CKS hoạt động. Cụ thể, để CKS hoạt động cần có sự tham gia của ba bên, gồm bên xây dựng ứng dụng CKS (chứng nhận CKS), nhà cung cấp dịch vụ CKS và đơn vị ứng dụng. Hai bên gồm chứng nhận và cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng, nhưng thời điểm này, việc ứng dụng mới chỉ phổ biến ở các ngành thuế, hải quan; một số đơn vị như ngân hàng, dầu khí, hàng không bắt đầu triển khai… Nhiều DN thuộc các ngành nghề khác vẫn đứng ngoài "cuộc chơi" này.