Vở kịch “Tình sử ngàn năm”: Đậm tình riêng, chung

Văn hóa - Ngày đăng : 07:33, 23/07/2010

(HNM) - Sau nhiều tháng luyện tập, vở kịch nói

Cảnh trong vở “Tình sử ngàn năm”.


Dàn diễn viên được mong đợi
Tìm hiểu lịch sử, hẳn ai cũng biết và băn khoăn tại sao danh tướng như Lý Thường Kiệt lại là một hoạn quan. Khán giả chắc cũng tò mò đến xem NSND Doãn Hoàng Giang xử lý câu chuyện này ra sao. Nhưng có lẽ trong số đông kín khán giả đến Nhà hát Lớn hai ngày vừa qua, nhiều người muốn được gặp gỡ với dàn diễn viên hơn cả. Quả là vở diễn quy tụ các gương mặt sân khấu kịch đáng mong đợi của đất Bắc: NSND Hoàng Dũng (vai Thái sư Lý Đạo Thành); NSƯT Trung Hiếu (vai Lý Thường Kiệt); NSƯT Thu Hà (vai Thuận Khanh); NSƯT Minh Hòa (vai Hoàng hậu Thượng Dương); NSƯT Minh Vượng (vai Thái giám "Xoẹt"); Công Lý (vai Lý đại gia)... Và ai cũng có nhiều "đất" diễn. Hầu như tất cả các gương mặt của Nhà hát Kịch đều gặp tại đây, theo đại diện Nhà hát, vở quy tụ gần 100 diễn viên.

NSND Hoàng Dũng quả là một diễn viên "gạo cội". Ông không đảm nhiệm vai chính nhưng nhân vật Lý Đạo Thành ông diễn "không thể chê được". Người xem nhớ và phục vẻ uy nghi, lẫm liệt, giọng nói sang sảng và gương mặt biểu cảm qua từng thời kỳ của vị Thái sư. Còn nhân vật chính, để ý thấy NSƯT Trung Hiếu đã dụng công nhiều cho phần võ thuật của vai. Hai đêm diễn, thấy chân Trung Hiếu băng bó, có lẽ anh đã bị thương khi tập luyện. Nhưng anh vẫn nỗ lực đem lại các màn võ thuật dũng mãnh và chuẩn xác. Cả phần võ thuật trong vở diễn đều khá đẹp mắt và chuyên nghiệp. Nàng Thuận Khanh của NSƯT Thu Hà khiến ai cũng "ngây ngất" trước dung nhan của người đẹp "Lá ngọc cành vàng". Chị diễn trong sáng, đằm thắm từ lúc người tình của Lý Thường Kiệt còn là một thiếu nữ đến khi luống tuổi, cắt tóc đi tu. Nhân vật Lý đại gia của Công Lý khá giống các vai hài ngoài đời của anh, nên đem đến sự thoải mái. Nhưng Thái giám "Xoẹt" do Minh Vượng đóng mới khiến khán giả thực sự thích thú và trầm trồ về duyên hài của chị.

Đây là tác phẩm của Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và sẽ diễn trong dịp Đại lễ. Vì vậy, đạo diễn chú ý nhiều đến các chi tiết liên quan đến văn hóa Thăng Long. Ví dụ, để cho nhân vật Thuận Khanh biết hát ca trù rất "ngọt"...

Tình riêng và tình chung
Khán giả đến xem tưởng rằng vở diễn sẽ giống như ca kịch "Ngàn năm tình sử" mà đạo diễn NSƯT Thành Lộc cho ra đời cách đây một năm. Bởi hai tác phẩm cùng là kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Nhưng xem ra có sự khác biệt. Nhiều người nghĩ đạo diễn quá "tham" khi xây dựng nhân vật chính "đậm đà" cả tình riêng (với Thuận Khanh) và tình chung (với giang sơn, xã tắc). Nhưng đó có lẽ là dụng ý của NSND Doãn Hoàng Giang, người luôn biết làm "nổi" tính kiệt xuất của nhân vật.

Lý Thường Kiệt trong kịch "Tình sử ngàn năm" quá tình. Ông chấp nhận trở thành hoạn quan để có cơ hội gặp được nàng Thuận Khanh. Hơn hai chục năm, đêm nào ông cũng nhẫn nại chờ mong tiếng sáo của mình vẳng đến người tình trong mộng. Ông xông pha vì nghiệp lớn, đạt được nhiều thành tựu trong binh quyền; hy sinh vì đất nước, vì lẽ phải, thậm chí chịu tiếng xấu với người bác Lý Đạo Thành để giữ yên ổn cho giang sơn, xã tắc sau khi Hoàng thượng băng hà...

Một vở diễn dài gần 3 tiếng với quá nhiều cao trào làm người xem khó chọn lọc được tình tiết "đắt" hay sự "dồn nén" rồi "bùng nổ" đáng có trên sân khấu kịch. Với nữa, khán giả sẽ thích thú nếu khắc họa nhân vật lịch sử đầy uẩn khúc, có phần khá "tế nhị" như Lý Thường Kiệt giàu nội tâm và tinh tế hơn. Sân khấu lịch sử là "mảnh đất" màu mỡ nhưng luôn khó "nhằn" với các đạo diễn, "Tình sử ngàn năm" vẫn là vở nổi bật cả về kịch bản và dàn dựng.

An Nhi