Cây lúa Thành Dền bắt đầu làm đòng
Công nghệ - Ngày đăng : 07:02, 23/07/2010
Trong khi đó, những cây lúa giống Q5 và lúa Ấn Độ được trồng đối chứng với "lúa cổ" nêu trên chưa có hiện tượng làm đòng. Từ đó, một số chuyên gia cho rằng nhiều khả năng 4 cây lúa mang về từ Thành Dền thuộc giống lúa ngắn ngày dù việc xác định một giống lúa đòi hỏi tới 62 tiêu chí và nhiều thông số khoa học khác... Về vấn đề này, blog của PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - người chủ trì cuộc khai quật Thành Dền - cho biết: Không rõ xuất xứ từ đâu nhưng mọi người đều cho rằng nếu là lúa cổ thì thời gian sinh trưởng phải dài hơn 5 tháng, cây phải cao, rậm rạp và có xu thế xòe ra.
Lúa hiện đại có thời gian sinh trưởng ngắn, cây thẳng, thấp và gọn... Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về thời gian sinh trưởng của các giống lúa cổ và cũng không có đủ tư liệu để làm nghiên cứu so sánh thời gian sinh trưởng giữa lúa cổ với lúa hiện nay... "Tóm lại, để có được những kết luận ban đầu về niên đại của những hạt thóc khảo cổ nảy mầm tìm được tại Thành Dền vẫn phải chờ kết quả của những nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ, sinh học, nông học, môi trường... và nhất là kết quả xác định niên đại AMS của 3 vỏ trấu đã gửi sang Nhật Bản ngày 14-6-2010" - TS Lâm Thị Mỹ Dung kết luận.