Quan hệ đồng minh bền chặt

Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 23/07/2010

(HNM) - Với chương trình nghị sự dày đặc về quan hệ hợp tác, các vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, tiến trình hòa bình tại Trung Đông, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và cuộc chiến Afghanistan, thêm một lần nữa London khẳng định với thế giới về quan hệ đồng minh bền chặt Anh - Mỹ.

Thủ tướng Anh D.Cameron và Tổng thống Mỹ B.Obama tại Washington.


Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan hệ hai bên đang bị thử thách do "thảm họa thủy triều đen" ở vịnh Mexico cũng như những cáo buộc về vai trò của Tập đoàn Năng lượng Anh BP trong quyết định của Chính phủ Scotland trả tự do cho al-Megrahi (quốc tịch Libya) - kẻ đánh bom khủng bố máy bay năm 1988 làm hàng trăm người Mỹ thiệt mạng. Song đúng như những gì giới quan sát nhận định, vì lợi ích song phương ràng buộc, hai vấn đề này đã không phủ bóng đen lên chuyến thăm cũng như quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Qua cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Anh D.Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama, có thể thấy rằng, Nhà Trắng không muốn khoét sâu một vấn đề mà trong đó giới chức Mỹ cũng có phần trách nhiệm. Mấu chốt ở đây là Mỹ cần BP duy trì hoạt động, cần BP phải sống để có tiền trang trải các chi phí khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng và điều này phụ thuộc khá nhiều vào các quyết sách của London.

Về việc trả tự do cho thủ phạm khủng bố trên bầu trời Lockerbie, dù Thủ tướng D.Cameron từ chối điều tra lại nguyên nhân dẫn đến quyết định này, song để xoa dịu "đồng minh số 1", ông chủ nhà số 10 phố Downing tuyên bố "thả al-Megrahi là sai lầm" và nhấn mạnh đây là quyết định của Chính phủ Scotland chứ không phải của London.

Trước chuyến đi, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ là thúc đẩy chính sách thực dụng nhằm tập trung phát triển thương mại của đất nước, chứ không chú trọng nhiều đến "mối quan hệ đặc biệt" mang tính phụ thuộc vào Washington như hai vị tiền nhiệm của Công đảng là Tony Blair và Gordon Brown. Tức là, Anh sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ, không dựa trên cơ sở của "những mối quan hệ lịch sử và lòng trung thành" mà vì lợi ích quốc gia.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, Anh và Mỹ đang ở trong cảnh "cùng hội cùng thuyền", do đó những thay đổi đột ngột vào thời điểm này là không thích hợp, nhất là lúc hai bên còn cần sự hỗ trợ của nhau trong nhiều vấn đề quốc tế như chương trình hạt nhân của Iran, bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là cuộc chiến tại Afghanistan. Hơn bao giờ hết, Mỹ cần tới sự ủng hộ của Anh với cuộc chiến không được lòng dân và hao tiền tốn của khi Washington chuẩn bị triển khai thêm 30.000 quân tới chiến trường này và đặt mục tiêu đến tháng 7 năm sau sẽ rút toàn bộ lực lượng Mỹ về nước. Đổi lại, London cũng muốn an ninh tại Afghanistan sớm trong tầm kiểm soát để có thể nhanh chóng rút quân về nước. Hơn nữa, cùng đối mặt với những vấn đề khó khăn trong nước như tạo việc làm, cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế... cả Anh và Mỹ đều muốn một quan hệ song phương thuận buồm xuôi gió. Do đó, sợi dây liên kết xuyên Đại Tây Dương vào lúc này dù có suy yếu đôi chút nhưng nhìn chung vẫn bền chặt.

Quỳnh Chi