Chuyện 10 năm và 64 năm !

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 23/07/2010

(HNM) - Cách đây 10 năm (từ ngày 16 đến ngày 19-11-2000), Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cùng phu nhân Hillary Clinton lần đầu tiên đến thăm Việt Nam sau 25 năm kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam.


Người Việt Nam còn nhớ rõ hình ảnh bà phu nhân Tổng thống cùng cô con gái Chelsea đến thăm một gia đình nông dân ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hai mẹ con tươi cười, thân thiện trò chuyện với người dân địa phương và vui sướng nhận chiếc nón, quà tặng của chủ nhà, đội lên đầu.

10 năm sau (ngày 22-7-2010), bà Hillary Clinton - phu nhân của cựu Tổng thống Bill Clinton và là đương kim Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - sang Hà Nội tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN. Sau 10 năm, trở lại Việt Nam lần thứ hai với cương vị mới, vị nữ Bộ trưởng quan trọng nhất của Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục có những động thái thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Dấu ấn lịch sử bình thường hóa quan hệ tưởng như khó có thể diễn ra giữa hai quốc gia, hai dân tộc, đã từng ở hai bên chiến tuyến, bởi cái giá phải trả cho chiến thắng của Việt Nam quá lớn: Một dân tộc nhỏ bé phải đương đầu khốc liệt với một quốc gia siêu cường, siêu mạnh. Kết thúc cuộc chiến 21 năm với đội quân xâm lược, Việt Nam đã phải trả bằng sinh mạng của hàng triệu người; chiến tranh đã tàn phá biết bao làng mạc, thành phố, hủy hoại tới 98% cơ sở hạ tầng; những di chứng của chiến tranh còn kéo dài nhiều thế hệ. Ngày nay, những cuộc chiến đã và đang xảy ra trên thế giới dù có tàn khốc đến mấy cũng không thể so sánh được với sự tàn khốc mà Việt Nam phải chịu vào giai đoạn đó. Nhưng diễn biến của các cuộc viếng thăm này ngược lại với những lo ngại, tính toán mà phía Hoa Kỳ đặt ra. Người Việt Nam đã thể hiện đúng tinh thần thượng võ, bản sắc văn hóa với lòng vị tha, tính nhân văn mà khó có dân tộc nào trên thế giới có được.

Thời điểm mà bà Hillary Clinton đến Việt Nam lần thứ hai là thời điểm mà Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khẳng định vị thế trong chính trường cũng như thương trường. Thế giới biết Việt Nam không còn như một đất nước phải chịu đựng chiến tranh triền miên nữa. Việt Nam bây giờ là một đất nước được nhiều quốc gia quan tâm, ủng hộ với tư cách bạn bè và đối tác. Những người đứng đầu Việt Nam đang khẳng định được vai trò, tầm nhìn, định hướng cho hiện tại và tương lai, bằng những quyết sách cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ngày 20-7-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định quan điểm của Việt Nam, thể hiện những quyết sách chuẩn xác, mạnh mẽ không chỉ cho riêng Việt Nam mà cả cộng đồng ASEAN. Đó cũng là thông điệp của Đảng và Nhà nước Việt Nam về định hướng phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền của đất nước, mang tính xuyên suốt, đột phát về tư duy quản lý điều hành kinh tế, xác định được đúng hiệu quả của các thành phần kinh tế trong xã hội. Và trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton ngày 22-7, Thủ tướng Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ ở tầm cao mới. Điều đó thể hiện vị trí, vai trò của Việt Nam trong quan hệ toàn diện không chỉ với Hoa Kỳ mà rộng hơn là tất cả các quốc gia trên thế giới.

64 năm trước (năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Harry S.Truman, mong muốn hai quốc gia độc lập toàn diện và hợp tác toàn diện. Ước mong của Bác Hồ trải qua 64 năm đã thành sự thật bởi những người đang kế thừa tư tưởng của Bác.

Những mốc lịch sử 21 năm, 25 năm, 10 năm và 64 năm trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nói lên giá trị nhân văn của một nước Việt Nam anh hùng và đầy sức sống quật cường. Bởi lẽ, những giá trị đó đã được trải nghiệm qua thời gian khốc liệt của chiến tranh với tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", của những năm tháng khó khăn chồng chất về kinh tế, của những thăng trầm trong quan hệ ngoại giao, nhưng sức sống vẫn nảy mầm và lớn mạnh. Và để đến hôm nay thế giới biết đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia năng động, cởi mở, hội nhập.

Nguyễn Hoài Bắc (Canada)