Hồng Lâu Mộng: Hoài niệm 'giấc mộng lầu hồng'
Giải trí - Ngày đăng : 11:28, 22/07/2010
Mặc dù được đầu tư hơn 2 triệu NDT sản xuất nhưng Tân Hồng lâu mộng vẫn chưa đủ thuyết phục để có thể cạnh tranh với những thước phim kinh điển của phiên bản cũ năm 1987. Trong khi những luồng phê bình phiên bản mới xuất hiện ngày càng nhiều thì lại càng đông khán giả hoài niệm những gương mặt xưa cũ của ‘giấc mộng lầu hồng”…
Sau 23 năm, ba diễn viên chính đều đã bước vào giai đoạn trung niên, mỗi người 1 hoàn cảnh khác nhau nhưng cho dù có nhiều thay đổi đến đâu thì hình ảnh của họ vẫn mãi trường tồn trong lòng người hâm mộ.
Tác phẩm kinh điển vinh danh muôn đời
Phiên bản năm 1987 Hồng Lâu Mộng là bộ phim truyền hình dựa trên tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại của nhà văn người Trung Quốc Tào Tuyết Cần do đài truyền hình trung ương Bắc Kinh thực hiện. Phim gồm 36 tập, được chỉ đạo bởi đạo diễn Vương Phù Lâm cùng với sự tham gia sản xuất, chế tác của rất nhiều nhà nghiên cứu Hồng Lâu Mộng. Trong đó không thể không nhắc tới sự đóng góp giúp đỡ của bậc tiền bối tinh thông sử sách: Khải Công, Thẩm Tòng Văn, Vương Côn Luân … trong khâu cố vấn và tuyển chọn diễn viên.
29 tập đầu của Hồng Lâu Mộng hoàn toàn dựa trên bản gốc thực hiện, 7 tập sau đó là phát triển từ ẩn ý trong nguyên bản và kết hợp thành quả nghiên cứu nhiều năm của các học giả nghiên cứu Hồng Lâu Mộng, xây dựng và kiến tạo cái kết bi ai cho câu chuyện bất hạnh của danh gia vương giả.
Tổng thể nội dung tác phẩm được triển khai từ mối quan hệ tình yêu và hôn nhân giữa 3 nhân vật Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa, miêu tả từ thời kỳ hưng thịnh cho tới suy vong của tứ đại gia tộc Giả, Vương, Sử, Tiết; đề cao tư tưởng tiến bộ và vẻ đẹp chân thiện mỹ của con người.
Sau khi lên sóng truyền hình năm 1987, bộ phim này đã nhận được thành công vang dội và thậm chí còn nhận được danh hiệu ‘phim truyền hình tuyệt diệu nhất lịch sử’ hay ‘tác phẩm kinh điển không thể thay thế và vượt qua’.
Cũng chính vào năm đó, Hồng Lâu Mộng đã nhận được giải thưởng phim truyền hình xuất sắc nhất và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Phượng ớt Đặng Tiệp) trong giải thưởng điện ảnh và truyền hình Phi thiên.
Bối cảnh thực hiện Hồng Lâu Mộng
Hồng Lâu Mộng lập kỷ lục về vốn đầu tư sản xuất và dàn diễn viên ‘chính’ lên tới 151. Tuy nhiên, hầu hết toàn bộ số tiền đều được dồn cả cho khâu xử lý kỹ thuật, phục trang tạo hình và dựng cảnh phim trường. Thù lao của mỗi diễn viên cho 1 tập phim vào thời điểm năm 1986 tính cả tiền cơm, tiền trọ và tiền tăng ca chỉ đạt mức 5 NDT. Những nhân vật ‘đóng đinh’ cốt lõi như Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa hay Phượng ớt… thì nhận được 60 NDT. So sánh với catse hàng chục thậm chí là hàng trăm nghìn NDT của diễn viên hiện nay thì đây thực sự là một sự tủi thân.
Về phần nội dung của Hồng Lâu Mộng, ngay từ năm 1979 đạo diễn Vương Phù Lâm đã có ý định đưa tác phẩm văn học kinh điển này lên màn ảnh nhỏ. Một bất ngờ và đồng thời cũng là sự trùng hợp may mắn là đài truyền hình trung ương và hội nghiên cứu Hồng Lâu Mộng tại Bắc Kinh cũng có ý tưởng trên. Cho tới tháng 11/1983 mở cuộc họp báo nghiên cứu vấn đề cải biên thành kịch bản phim truyền hình, tác phẩm này đã nhận được sự hưởng ứng và quan tâm nhiệt tình của đông đảo khán giả.
Tháng 2/1983 chính thức thành lập ê kíp thực hiện và tới tháng 5, tháng 8 cùng năm là bầu ra người lãnh đạo đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý sản xuất. Sau khi hoàn thành kịch bản sơ bộ vào tháng 12/2003, đoàn làm phim đã phải dùng tới khoảng thời gian 2 năm để lựa chọn diễn viên từ mọi đối tượng cả nghệ sĩ và ‘dân thường’ trên toàn quốc. Tới cuối năm 1984, ê kíp thành hình và triệu tập diễn viên tới Viên Ming Viên tiến hành bổ túc kiến thức văn học lịch sử, nghệ thuật.
Ngày 2/9/1984, những thước phim quay thử đầu tiên được thực hiện và sau đó 8 ngày, Hồng Lâu Mộng chính thức khởi quay tại An Huy; cho tới giữa năm 1987, công việc ghi hình chính thức hoàn thành. Tổng số cảnh quay ghi được lên tới chục nghìn và trong quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã đi qua 219 địa danh của 41 khu vực thuộc 10 tỉnh thành toàn Trung Quốc.