Lao động di cư: Chưa được bảo vệ trước rủi ro

Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 22/07/2010

(HNM) - Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, trong khối ASEAN có khoảng 15 triệu người lao động di cư. Mục đích của những lao động di cư là nhằm tìm kiếm điều kiện kinh tế tốt hơn, việc làm ổn định hơn để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình di cư, họ đang phải đối mặt với nhiều rủi ro bởi chưa có những yếu tố bảo vệ cần thiết.

Lao động Việt Nam làm việc trong một xưởng chế tác đồ trang sức tại Malaysia.


Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 3 được tổ chức ngày 19-7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, các quốc gia cần cùng hành động để bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động di cư. Bởi theo đánh giá của ILO cũng như nhiều nước, lao động di cư là một hiện tượng xã hội và có đóng góp nhất định trong việc phát triển kinh tế xã hội các nước.

Tại Việt Nam, hiện nay đang có 4 dòng lao động di cư chủ yếu đó là từ nông thôn đến nông thôn, từ nông thôn ra thành thị, từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam. Những lao động này đã tạo ra một cơ cấu lao động khá đa dạng và phủ khắp mọi thành phần, lĩnh vực kinh tế. Đây cũng được xem là một động lực thúc đẩy sự phát triển của lực lượng lao động và chuyên môn hóa cao trong các khối, ngành kinh tế.

Tại diễn đàn về lao động di cư ASEAN lần thứ ba, nhiều ý kiến cho rằng: lao động di cư đang chịu rất nhiều nguy cơ trong quá trình di cư, nhất là di cư không chính thức. Đó là họ đang phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột cao hơn và tiếp cận hạn chế hơn đối với các hình thức bồi thường rủi ro. Ngoài ra, họ có thể bị rơi vào tình trạng tuyển dụng trái phép của các công ty tuyển dụng có giấy phép hoặc không có giấy phép với mức phí cao hơn. Thậm chí, họ phải lao động với những công việc nằm ngoài sự bảo vệ của luật và phải đối mặt với những nhóm tội phạm và những nhóm buôn lậu, buôn bán người.

Nhằm bảo vệ lao động di cư, theo đại diện của ILO, các quốc gia cần phải tăng cường xây dựng năng lực quản lý lao động di cư thông qua cơ chế chia sẻ thông tin về những lĩnh vực trước khi lao động đi làm việc, trong đó có quyền và phúc lợi xã hội. Đối với những lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần phải được tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường lao động cũng như các điều kiện hỗ trợ về mặt pháp lý như giấy phép, cơ chế bảo vệ. Riêng đối với các hiệp hội tuyển dụng lao động cần phải tiến hành những biện pháp để lồng ghép với các cơ quan nhân lực chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó, các hiệp hội tuyển dụng cũng cần đánh giá, xác định đúng về các hoạt động bất hợp pháp trong tuyển dụng và sử dụng lao động di cư.

Rõ ràng, vấn đề lao động di cư được gắn liền với quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Đây vừa là yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng tạo ra những trở lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý lao động và hạn chế các tệ nạn xã hội. Và việc tăng cường thông tin giữa các quốc gia, giữa cơ quan quản lý với người lao động trong các quốc gia là rất cần thiết. Điều đó sẽ giúp người lao động tự nhận thức được về các mối nguy hiểm trong quá trình di cư cũng như biết cách bảo vệ mình một cách chính đáng.

Ngọc Hải