Không chạy theo phong trào
Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 22/07/2010
Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các đơn vị triển khai đề án với tinh thần "khẩn trương, đồng bộ, quyết tâm cao", đồng thời giao nhiệm vụ và tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành trung ương và các địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vấn đề.
Làm hương một trong những nghề phụ cho thu nhập ổn định ở Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Hải |
Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH, ngay khi đề án được phê duyệt, Tổng cục Dạy nghề đã thực hiện được một số việc cần thiết như làm việc với Hội Làm vườn Việt Nam, Tập đoàn Phú Cường (Hải Phòng), Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng Công ty Cao su, Tổng Công ty Chè, Tổng Công ty Cà phê, các viện nghiên cứu của Bộ NN&PTNT và các trường đào tạo nghề... Tại các buổi làm việc này, các bên đã cùng xây dựng kế hoạch triển khai các lớp dạy nghề vùng chuyên canh, các lớp dạy nghề nuôi trồng cây, con có năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Cao Văn Sâm, hiện nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao nghiên cứu xây dựng các mô hình dạy nghề thủ công mỹ nghệ và các nghề truyền thống ở các làng nghề. Trước mắt năm 2010 tập trung vào 3 nhóm: nhóm mô hình dạy nghề, tổ chức việc làm gắn với phát triển làng nghề mới (cấy nghề mới); nhóm mô hình dạy nghề kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức việc làm và bao tiêu sản phẩm; nhóm mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm gắn với duy trì, phát triển làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, Tổng cục Dạy nghề cũng đã làm việc cụ thể với một số tập đoàn, tổng công ty, khu công nghiệp và một số trường đào tạo về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ để triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn hoặc làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp của địa phương.
Theo đánh giá chung, một số địa phương còn lúng túng trong triển khai. Thời điểm hiện tại còn 14 tỉnh chưa thành lập ban chỉ đạo của tỉnh để thực hiện đề án. Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, để đề án thực hiện được nhanh nhất, đồng bộ và hiệu quả, mấu chốt vẫn là quyết tâm của từng địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và cần phải có sự xác định trách nhiệm và phân công rõ ràng đối với từng cấp trong triển khai đề án. Cấp trung ương là cấp hướng dẫn, giám sát; cấp tỉnh là cấp chỉ đạo tổ chức triển khai; cấp huyện là cấp cơ sở trong triển khai các hoạt động; cấp xã phải chịu trách nhiệm thống kê và xác nhận đối tượng học nghề. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy sự chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện. Thực tế, đã có một số địa phương đã chủ động thành lập BCĐ ở cấp huyện, huy động kinh phí ngân sách tại chỗ triển khai hoạt động tuyên truyền, điều tra. Đây là những tín hiệu tốt song phải đúng quan điểm là không làm theo phong trào mà phải bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của việc học nghề.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, ông Cao Văn Sâm cho biết, các bộ, ngành liên quan đang tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai đề án. Đặc biệt là văn bản hướng dẫn về cơ chế tài chính và biên chế ở cấp huyện. Tổng cục Dạy nghề đang hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc xây dựng đề án đến năm 2020 của tỉnh, hoàn thành kế hoạch dạy nghề cho 400.000 lao động nông thôn trong năm 2010; dạy nghề cho 18.000 người theo các mô hình thí điểm và đặt hàng dạy nghề cho 12.000 người thuộc diện chính sách. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề tiếp tục chương trình, tài liệu dạy nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, Tổng cục Dạy nghề cũng đang gấp rút hoàn thành xây dựng 50 bộ chương trình, tài liệu dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng giảng theo năng lực thực hiện cho giáo viên dạy nghề, người tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.