“Bảo tàng” hiện vật chiến tranh
Văn hóa - Ngày đăng : 07:16, 22/07/2010
Chị Hằng vừa nhận quyết định nghỉ hưu tháng 1-2010, nhưng chị vẫn mải mê với việc sưu tầm các kỷ vật quý báu của thời chinh chiến, tiếp tục cộng tác với bảo tàng và nhiều cơ quan đơn vị. Chị nhớ từng vị trí cất giữ của những kỷ vật quý trong kho bảo tàng; nhớ từng bức ảnh, chuyện kể của hàng trăm tướng lĩnh qua các thế hệ.
Đặc biệt, chuyến đi sưu tầm về Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Phó Tư lệnh Hải quân, nghỉ hưu ở TP Hồ Chí Minh đã để lại trong chị những kỷ niệm khó quên. Chị nhớ lại: "Khi tôi hỏi một số gia đình quân nhân về địa chỉ nhà tướng Phát, họ yêu cầu cho xem giấy giới thiệu. Thế là tôi tìm đường vào cơ quan Quân chủng Hải quân tại TP Hồ Chí Minh nhưng không được vào vì trực ban yêu cầu phải quay ra Bộ Tư lệnh Hải quân xin giấy giới thiệu. "Thấy tình hình căng quá nhưng tôi cứ thuyết phục mãi, cuối cùng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng, Phó Tư lệnh Hải quân, chấp nhận giới thiệu chị với gia đình tướng Phát". Chị Hằng kể, tối hôm chị đến, rất xúc động khi thấy cụ Phát đứng đón từ ngoài ngõ. Nhìn hai chị em (chị và một anh lính trẻ thực tập) ngồi một xe thồ, cụ hỏi vì sao không đi hai xe, chị trả lời: "Chúng cháu hết tiền nên ngồi chung một xe. Gặp được Thiếu tướng là sướng rồi". Nghe vậy, cụ thương lắm nên mới bắc ghế đứng bên bàn thờ rút ra một chiếc đồng hồ hiến tặng cho bảo tàng". Đây là kỷ vật quý mà vị Thiếu tướng đã cất giữ suốt cả đời lính lênh đênh trên sóng biển. Trên mặt đồng hồ có khắc ba chữ Hán: Hồ Chí Minh.
Còn ở Bắc Ninh, chị Hằng vừa vui mừng vừa cảm động khi thấy chiếc xe đạp của Trung tướng Văn Cương đang treo trên xà nhà trong buồng của người vợ. Gốc gác của chiếc xe đạp này là của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ hồi hoạt động ở Chiến khu Việt Bắc. Năm 1954 về Hà Nội, Đại tướng tặng xe này cho thư ký riêng là ông Đoàn Chương (em trai Đại tướng Đoàn Khuê). Năm 1956, nhà ông Chương ở gần Trường Chính trị trung cao - Bộ Quốc phòng, thấy hễ đến chiều thứ bảy là người bạn Văn Cương (cán bộ Tỉnh đội Bắc Ninh) lại vất vả đi bộ ra bến xe mua vé về quê nên ông Chương tặng ông Cương xe đạp này. Và ông gìn giữ chiếc xe đến khi sang Lào công tác thì giao lại cho vợ làm phương tiện đi dạy học.
Ngoài "công trình" về kỷ vật của tướng lĩnh, chị cùng một số cán bộ khác hoàn thành hàng loạt bộ sưu tầm hiện vật của các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Điều đặc biệt là không ít những bộ quân hàm, cầu vai quý giá không phải chị đi xin mà do đích thân các vị tướng, vì trân trọng tấm lòng của chị dành cho người lính nên qua chị, họ tặng bảo tàng mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì.