Tăng viện phí - Cần có lộ trình
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:08, 22/07/2010
Theo đề xuất mà Bộ Y tế đưa ra, trong tổng số hơn 320 mức dịch vụ, chỉ có một số loại dịch vụ giữ nguyên mức giá, còn lại đều tăng gấp 10 lần (khám bệnh tăng lên 30.000 đồng/lần đối với bệnh viện hạng nhất, từ 10.000-20.000 đồng/lần khám đối với các bệnh viện tuyến dưới; tiền giường điều trị tăng lên 50.000-100.000 đồng/ngày tùy theo tuyến điều trị…); chưa kể một số loại dịch vụ kỹ thuật cao tăng gấp 20 lần. Bộ Y tế giải thích: Nghị định 95/CP về chính sách viện phí ban hành từ năm 1994 đến nay chưa được sửa đổi, trong khi tiền lương của cán bộ, viên chức và mức thu nhập bình quân của người dân đã tăng nhiều lần - đấy là sự bất hợp lý của viện phí cần phải điều chỉnh theo khung giá mới. Theo Bộ Y tế, hiện nay các bệnh viện đã được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nên tăng viện phí sẽ tỷ lệ thuận với tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Thêm nữa, cả nước đã có hơn 60% dân số đóng BHYT, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân...
Cho dù có thuyết trình thế nào đi nữa thì việc Bộ Y tế đề xuất tăng viện phí, cũng vẫn gây lo lắng trong dư luận. Bởi lẽ viện phí tăng tức là gánh nặng cho người nghèo, người mắc trọng bệnh và gia đình họ. Người ta đều hiểu một khi ngành y tế phát triển, hệ thống trang thiết bị phục vụ KCB được tăng cường, thì việc điều chỉnh giá viện phí là cần thiết nhằm bảo đảm cho các bệnh viện hoạt động ổn định hơn. Nhưng tăng thế nào, mức tăng bao nhiêu cho phù hợp và khi nào tăng - là câu chuyện cần bàn.
Trong thực tế, điều kiện sống của người dân nhất là nông dân và công nhân hiện còn khó khăn, thu nhập bình quân của hơn 30% dân số trong độ tuổi lao động chỉ đạt 100.000 đồng/ngày, thì mức tăng viện phí gấp hàng chục lần và tăng mức BHYT ít nhất 40% (theo dự thảo) rõ ràng phải suy nghĩ, cân nhắc. Không thể tăng ngay gấp nhiều lần trong một lúc và cũng chỉ nên áp dụng một khung giá chuẩn để không ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi của hàng chục triệu người, nhất là người nghèo và gần 40% dân số chưa tham gia BHYT. Vì lẽ, giá viện phí chưa tăng như hiện nay cũng đã khiến nhiều bệnh nhân nghèo có thẻ BHYT gặp khó khăn trong KCB khi phải cùng chi trả BHYT, nếu tăng nhiều lần nữa thì gánh nặng càng thêm nặng.
Dự kiến hơn một tháng nữa khung giá viện phí mới sẽ được đưa vào áp dụng. Viện phí tăng kéo theo nhiều chi phí sinh hoạt khác liên quan tới KCB sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân trong khi cuộc sống còn nhiều lo toan. Một lộ trình tăng viện phí phù hợp; một cơ chế minh bạch về tài chính; một sự điều chỉnh hợp lý về cơ cấu giá thành và đích đến là tăng viện phí phải tăng chất lượng phục vụ KCB, từng bước giảm tải ở các bệnh viện mới là sự cần thiết vào lúc này để tạo sự đồng thuận của xã hội trong quá trình thực thi chính sách mới.