Trong vòng vây an ninh

Thế giới - Ngày đăng : 06:10, 21/07/2010

(HNM) - Khoảng 16.000 nhân viên an ninh Afghanistan phối hợp với lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được huy động để bảo vệ Hội nghị quốc tế về Afghanistan lần đầu tiên được tổ chức trên lãnh thổ nước này, vừa khai mạc vào sáng qua (20-7).

An ninh ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã được tăng cường từ nhiều ngày nay.


Cũng trong 24 giờ qua, mọi ngả đường tới trụ sở Bộ Ngoại giao Afghanistan tại thủ đô Kabul, nơi diễn ra hội nghị, đều bị cấm. Các cửa ngõ ra vào thủ đô Kabul cũng như các khu vực nhạy cảm khác đều được canh chừng một cách nghiêm ngặt. Thậm chí các chuyến bay qua khu vực tổ chức hội nghị cũng bị hoãn lại và hai ngày 19, 20-7 - được công bố là ngày nghỉ ở Kabul...

Trên đây là các biện pháp chưa được liệt kê hết của Kabul nhằm bảo đảm an ninh cho hội nghị quốc tế này với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon và Tổng thống H.Karzai đồng chủ tọa cùng sự tham dự của đại diện khoảng 70 quốc gia trên thế giới.

Chính quyền Kabul coi hội nghị là cơ hội thể hiện những thành quả mà nước này đã đạt được và đưa ra một lộ trình hành động cụ thể trong thời gian tới; đồng thời kêu gọi tài trợ của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được mục tiêu về một nước Afghanistan ổn định, an ninh và dân chủ. Hội nghị là dịp để cộng đồng quốc tế đánh giá những cam kết mà Kabul đưa ra trước đây cũng như những gì mà chính quyền nước này sẽ thực hiện sau khi Mỹ và NATO rút quân vào năm 2014.

Đầu năm 2010, tại Hội nghị quốc tế về Afghanistan ở London (Anh), các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí lập một quỹ 500 triệu USD cho kế hoạch của Tổng thống H.Karzai nhằm thuyết phục các chiến binh Taliban từ bỏ bạo lực. Nhưng với những gì đang diễn ra, kỳ vọng của cộng đồng quốc tế xem ra vẫn chỉ là kỳ vọng. Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 365 binh si NATO thiệt mạng, so với con số 521 của cả năm 2009… Và bất chấp sự dày đặc của hàng rào an ninh, Taliban vẫn vươn cánh tay chết chóc đến Kabul.

Vài giờ trước khi hội nghị khai mạc, một số tay súng nổi dậy đã nã rốckét vào trung tâm thủ đô Kabul. Có vụ nổ chỉ cách nơi diễn ra hội nghị khoảng 100 mét. Trước đó, ngày 18-7, hàng loạt vụ tấn công đã xảy ra ở Afghanistan. Tại trung tâm thủ đô, một vụ đánh bom liều chết đã làm 3 người thiệt mạng và 35 người bị thương, chủ yếu là dân thường. Vụ tấn công nhằm vào lực lượng binh sĩ do NATO đứng đầu; kẻ đánh bom đi mô tô liều chết thực hiện khiến 2 binh sĩ bị thương. Cùng ngày, một vụ nổ lớn xảy ra tại thành phố Kandahar ở miền Nam, khu vực được coi là thành trì của Taliban, làm 3 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Cùng thời gian này, phiến quân Taliban đã tấn công một nhà tù ở thành phố Phara, thủ phủ của tỉnh cùng tên ở miền Tây Afghanistan, giải thoát 14 tù nhân…

Rõ ràng, bóng mây u ám bạo lực vẫn đang bao phủ lên quốc gia Nam Á này. Nó làm tăng sự hoài nghi về khả năng ổn định đất nước của chính quyền do ông H.Karzai đứng đầu.

Kể từ khi chế độ Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001, nhằm tái thiết quốc gia Nam Á này, Washington và các đối tác đã đổ 60 tỷ USD cho Kabul, nhưng kết quả xem ra vẫn rất hạn chế. Afghanistan hiện vẫn là nơi ẩn nấp của vô vàn tay súng nổi dậy; đồng thời nơi đây vẫn được xem là "thánh địa" của thuốc phiện, nạn tham nhũng và sự khốn khó của dân chúng, nhất là các vùng núi non hiểm trở... Theo ước tính của một tổ chức quốc tế, 90% người Afghanistan vẫn chưa được dùng điện, chỉ 497 nghìn người trong đất nước 4,8 triệu dân này được sử dụng lưới điện quốc gia.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon phát biểu tại hội nghị đã đề nghị chính quyền Kabul đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện khả năng điều hành đất nước và thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc, kêu gọi người dân Afghanistan đoàn kết vì hòa bình và phát triển đất nước. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, dư luận cho rằng, hy vọng về một Afghanistan bình ổn sau hội nghị quốc tế này không dễ đạt được trong một sớm một chiều.

Trung Hiếu