Thương lượng một hiệp định biến đổi khí hậu mới

Xã hội - Ngày đăng : 12:25, 20/07/2010

Tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi chính sách năng lượng theo hướng sử dụng các nguồn năng lượng sạch có thể tái sinh và tiếng nói chung giữa các nước trong các cuộc thương lượng về một hiệp định biến đổi khí hậu mới là trọng tâm hội nghị kéo dài hai ngày tại Washington, Mỹ.

Khí thải từ các nhà máy là một trong các nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính. (Nguồn: Internet)


Tham dự hội nghị, được tổ chức theo sáng kiến của nước chủ nhà Mỹ, có đại diện các nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 19/7, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Nobuo Nataka nêu rõ nếu không có những thay đổi lớn trong phương thức sản xuất và sử dụng năng lượng, trong tương lai, thế giới sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn đe dọa an ninh năng lượng chung và môi trường.

Quan chức này cũng đồng thời nhắc lại trong nghiên cứu mới đây, IEA đã cảnh báo rằng nếu không nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Giám đốc Nataka nhấn mạnh cứ một năm trì hoãn quá trình chuyển đổi này, thế giới lại mất thêm 500 tỷ USD.

Theo ông, không tính tới các lợi ích về môi trường, việc tới năm 2050 sẽ có 50% lượng xe ôtô lưu hành là các xe chạy bằng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 112.000 tỷ USD.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu, chủ tọa hội nghị, cũng công bố một sáng kiến mới là chọn màu sơn nhạt cho các mái nhà của trụ sở Bộ Năng lượng và văn phòng của các cơ quan chính phủ.

Theo ông, giải pháp được triển khai từ mùa Hè này đã làm mát các tòa nhà, hạn chế hấp thụ sức nóng, giúp tiết kiệm hàng nghìn USD mỗi năm chi phí cho điều hòa nhiệt độ.

Bộ trưởng Chu cho biết đây là một trong những biện pháp nhanh và ít tốn kém nhất để giảm lượng khí thải cácbon trên toàn cầu và làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Tham dự hội nghị này có đại diện của Austraylia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Mexico, Na Uy, Nga, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Liên minh châu Âu và các tổ chức quốc tế./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)