350 dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh khung giá

Đời sống - Ngày đăng : 11:37, 20/07/2010

(HNMO)- Ngày 20/7, Bộ Y tế cho biét việc điều chỉnh viện phí lần này tập trung vào khung giá của các dịch vụ kỹ thuật đã được ban hành từ năm 1995 cho phù hợp với thực tế hiện nay. Theo đó, sẽ có khoảng 350 dịch vụ trong tổng số khoảng 3000 dịch vụ mà các bệnh viện (BV) đang thực hiện điều chỉnh giá

Các phương pháp điều trị hiện đại đẩy chi phí tăng cao


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có quy định cơ chế thu, quản lý và sử dụng khoản thu khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở y tế nhà nước.

Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định, trên cơ sở các quy định hiện hành về viện phí, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ LĐ TB &XH để sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc thu, quản lý và sử dụng nguồn thu viện phí, điều chỉnh khung giá của một số dịch vụ đã được ban hành từ năm 1995 đến nay cho phù hợp với tình hình thực tế.


Không còn phù hợp vì 15 năm chưa được điều chỉnh

Lý giải về sự cần thiết phải điều chỉnh khung giá viện phí lần này, Bộ Y tế cho biết, do các BV đưa các trang thiết bị y tế mới vào sử dụng, các phương pháp điều trị ngày càng hiện đại nên chi phí của các dịch vụ ngày càng tăng. Kèm theo đó là các chi phí để bảo đảm hoạt động của các BV và thực hiện các dịch vụ y tế cũng đã nhiều lần điều chỉnh.

Cụ thể, tiền điện năm 1995 giá 64 đồng/KWh, hiện nay là 1.170 đồng/KWh; tiền nước năm 1995 giá 2000 đồng/m3, nay khoảng 6.270 đồng/m3; Xăng, dầu từ 4.700 đồng/lít nay tăng khoảng 16.000 đồng/lít. Giá của hầu hết các loại thuốc, vật tư, hoá chất đều tăng so với 15 năm trước đây.

Ngân sách nhà nước cấp cho các BV hiện còn rất thấp. Theo khảo sát của Bộ Y tế, hầu hết các BV chỉ được cấp từ 30- 40 triệu đồng/giường bệnh/năm. Số tiền này chỉ bảo đảm chi trả tiền lươgn theo ngạch bậc và mưc lương tối thiểu do nhà nước quy định, các khoản phụ cấp lương, đóng góp BHXH, BHYT... theo quy định.

Trong khi đó, khung giá của các dịch vụ, kỹ thuật y tế ban hành từ năm 1995, theo nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí tực tiếp để thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế. Phần lớn các dịch vụ này mới chỉ thu từ 30-50% chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ tại thời điểm năm 1995, đến nay đã qua 15 năm nhưng chưa được điều chỉnh nên càng không phù hợp với tình hình giá cả và các chi phí thực tế để thực hiện dịch vụ hiện nay. 

Việc điều chỉnh viện phí lần này về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến khoảng 53 triệu người hiện nay đã có thẻ BHYT (khoảng 62% dân số), gồm người làm công ăn lương, các đối tượng hưu trí, chính sách xã hội, người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi do chi phí khám chữa bệnh của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Không phải khung giá tất cả dịch vụ đều tăng từ 7-10 lần

Bộ Y tế bác bỏ thông tin mà một số báo chí nêu trong những ngày qua về giá dịch vụ tăng từ 7-10 lần mà cụ thể như sau:

Có khoảng 220 dịch vụ sử dụng ít vật tư, hoá chất, điện, nước mà chủ yếu là do công sức của cán bộ y tế thực hiện thì có mức tăng rất thấp, tối đa chỉ tương đương với mức trượt giá hiện nay (tối đa 2,5 lần), ví dụ các dịch vụ về y học dân tộc, châm cứu...


Khoảng 60 dịch vụ dự kiến mức tăng tối đa từ 2,5 đến 5 lần và khoảng 70 dịch vụ kỹ thuật y tế sử dụng nhiều thuốc, vật tư, hoá chất, điện, nước thì mức tăng tối đa khoảng 7-10 lần so với hiện nay vì mức quy định trước đây là thu một phần, có dịch vụ chỉ bằng 20-30% tổng các chi phí tại thời điểm năm 1995, đến nay phải tính các chi phí trực tiếp thì khung giá sẽ tăng.


Điều chỉnh giá viện phí, các BV sẽ có thêm kinh phí nâng cao chất lượng dịch vụ y tế


Bộ Y tế ví dụ về phương pháp cắt amidan, giá quy định từ năm 1995 là từ 20.000-40.000 đồng. Do trước đây sử dụng kỹ thuật đơn giản, dễ có khả năng gây tai biến cho người bệnh nên hiện này hầu hết các bệnh viện đều sử dụng phương pháp gây mê.

Với phương pháp này, chỉ tính riêng tiền thuốc mê đã khoảng 220.000đ/ca. Ngoài ra còn tiền bông, băng, thuốc sát trùng, kháng sinh... và các vật tư tiêu hao trực tiếp vào khoảng 330.000 - 450.000 đồng/ca. Ngoài ra, nếu sử dụng dao siêu âm Coblator với giá 150 USD/lưỡi dao (mỗi lưỡi dao chỉ sử dụng cho từ 1-5 bệnh nhân) thì chi phí còn cao hơn rất nhiều).

Tiền khám bệnh dự kiến điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám, tăng khoảng 10 lần vì theo tính toán với gía điện, nước, găng tay, khẩu trang và các chi phí khác phục vụ khám bệnh hiện nay thì chi phí hết khoảng 10.000đ - 30.000 đồng/lần khám, tuỳ chuyên khoa và hạng bệnh viện. Tuyến huyện, xã thấp hơn, chỉ khoảng 10.000đ- 15.000đồng. Đồng thời sẽ quy định cụ thể về định mức khám bệnh cho một phòng khám hoặc 1 bác sĩ khám để bảo đảm chất lượng khám.


Tiền khám bệnh, tiền ngày giường điều trị có mức tăng cao


Tiền ngày giường điều trị quy định tại Thông tư 14 chỉ từ 4.000 đồng và tối đa 18.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, từ 2.500 đồng đến 16.000 đồng đối với bệnh viện hạng II... dự kiến điều chỉnh từ 10.000 đồng đối với trạm y tế xã, tối đa là 100.000 đồng đối với các ngày điều trị nội khoa.

Khung giá dự kiến tăng cao nhất là ngày giường đìêu trị ngoai khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng độ 3,4 trên 70% diện tích cơ thể là 150.000 đồng (tăng khoảng 8 lần) do phải theo dõi, chăm sóc đặc biệt, sử dụng điều hoà 24h/24h, có chạy máy thở, monitor....

T.Hoa