Ước nguyện quảng bá nhạc Việt
Văn hóa - Ngày đăng : 09:06, 20/07/2010
GS-TS Trần Quang Hải (bên trái) cùng cha tấu một khúc ngẫu hứng. |
Âm nhạc đa tác dụng
Sinh ra trong một gia đình "đại thụ" có 5 đời gắn bó với âm nhạc dân tộc, gần nhất là người cha GS-TS Trần Văn Khê đã quá nổi danh trên dải đất hình chữ S, Trần Quang Hải thú thật, mình sẽ khó lòng "vượt" được cha. Và ông ngoặt sang một nhánh khác, nay đã xum xuê, tỏa rộng trên cây đại thụ âm nhạc của gia đình. Đó là khám phá, phát triển và truyền bá lối hát đồng song thanh (hát 2 giọng cùng lúc) từ năm 1969. Ông giải thích, lối hát này dựa trên kỹ thuật của một số bộ tộc Mông Cổ mà ông dày công luyện tập cả chục năm mới thành thục. Nghe giai điệu "Cò lả" mượt mềm qua những bồi âm trên nền thanh trầm mới thấy hết sự tài tình, độc đáo của ông. Một thứ âm giai thú vị, khác biệt và lôi cuốn đến xốn xang. Hay đoạn trích Bản giao hưởng số 9 của Beethoven dằng dặc thế mà ông chỉ biểu diễn trong một hơi.
Âm nhạc của ông với kỹ thuật hát đồng song thanh là cả một trải nghiệm thú vị và đem lại những tác dụng khác nhau cho mỗi người. Ông có thể giúp người bị đứt dây thanh quản hay ung thư thanh quản sử dụng kỹ thuật này giao tiếp được. Nhiều thể nghiệm, sáng tạo âm nhạc mới cũng được ông áp dụng kỹ thuật đồng song thanh khá thành công. Và hơn cả, ông có thể khiến người ta cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng như thiền, như đang tập yoga bằng mê cung âm nhạc của mình. Bởi trong đó có kỹ thuật thở, điều khiển hơi. Với tài năng sư phạm đặc biệt, ông tự hào nói rằng, chỉ cần theo dõi ông hướng dẫn 5 phút, ai cũng có thể học được kỹ thuật hát này một cách sơ đẳng nhất.
Hành trình quảng bá nhạc Việt
Bao năm sống ở Pháp, GS-TS Trần Quang Hải đã trở thành một nhà sư phạm, nghiên cứu âm nhạc dân tộc học nổi tiếng với hơn 3.000 buổi trình diễn tại 65 quốc gia trên thế giới. Ông giảng dạy ở hơn 120 trường đại học về âm nhạc Á châu; tham gia viết từ điển, tạp chí âm nhạc và thực hiện hàng chục CD, DVD về nhạc Việt và hát đồng song thanh. Ngay bộ Từ điển Âm nhạc và các nhạc sĩ New Grove hàng đầu thế giới, ông biên soạn và "bỏ" vào đó 200 nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Song điều ông muốn là quảng bá sâu rộng hơn nữa nhạc Việt ở nước nhà và trên thế giới. Bởi theo ông, nhạc dân tộc Việt Nam là thứ giai âm cuốn hút và đem lại rung cảm tuyệt vời cho người nghe. Lần về nước này, ông bày tỏ cách đem âm nhạc dân tộc "thu phục" lớp trẻ ở ngoài nước. Theo ông, đó là phương pháp hay nhất và nhanh nhất để quảng bá nhạc Việt ra thế giới… Rồi họ sẽ tự mình đi quảng bá, giới thiệu. Và ông, sẵn sàng về Việt Nam, đào tạo cho những người trẻ nhiều nhiệt tâm với âm nhạc dân tộc. Nếu được tiếp cận đầy đủ, khoa học, họ sẽ thấy tự hào về âm nhạc truyền thống mà ông cha ta để lại. Khi đến những phương trời mới, họ sẽ đem nhạc Việt ra trao đổi, mở rộng và từ đó, nền âm nhạc ấy được tương hỗ mà "cất cánh".
Đã gần 70 tuổi với hơn 40 năm nghiên cứu âm nhạc dân tộc, GS-TS Trần Quang Hải còn nảy ra một "mẹo" để làm người nước ngoài "say" nhạc Việt. Đó là "nhấn" vào những âm giai quyến rũ, dễ nghe nhất của nhạc truyền thống như dân ca, hò... Ông bảo, mình chỉ đem cho họ những điều cơ bản nhất, như gieo hạt giống tốt trên mảnh đất mới, tự khắc sẽ có được cái cây với hoa thơm, quả ngọt. Rồi "quả ngọt" đến mức tự họ sẽ tìm về nước ta, để tìm hiểu, thưởng thức đầy đủ hơn thứ âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Và ông vẫn nỗ lực không mệt mỏi cho hành trình ấy!