Tái cấu trúc nền kinh tế

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:34, 20/07/2010

(HNM) - Ba năm rồi, từ ngày cơn bão tài chính đổ ập xuống nền kinh tế toàn cầu, nó hủy hoại và tàn phá không chỉ một vài quốc gia và vùng lãnh thổ mà cả thế giới phải gánh chịu. Thêm vào đó, thiên tai địch họa, khủng bố, chiến tranh khu vực gia tăng càng làm cho thế giới bất an.

Nhằm giải quyết những hậu quả nghiêm trọng và di chứng yếu kém trong việc quản lý điều hành nền kinh tế của các nước phát triển và đang phát triển trong nhiều thập niên đã đi qua, các nước trong hệ thống G7 và G20 liên tục nhóm họp nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để vực dậy nền kinh tế của quốc gia mình và thế giới. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhằm tạo cú hích để bình ổn xã hội và tạo đà cho nền kinh tế thoát hiểm đi lên. Các nhà lãnh đạo thế giới đã nhìn nhận được sự bất cập, yếu kém của họ về quản lý điều hành nền kinh tế trong nước và thế giới. Cụm từ nổi bật được sử dụng nhiều nhất cho các nhà lãnh đạo các quốc gia là: Tái cấu trúc lại nền kinh tế. Mỗi quốc gia có thể chế chính trị khác nhau và cách xử lý, áp dụng tái cấu trúc lại nền kinh tế cũng khác nhau.

Vậy giải pháp nào để tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cho tầm nhìn nhiều năm kế tiếp?

Chúng ta đã chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, bản thân nó đã phát sinh nhiều bất hợp lý và bất cập khi các tập đoàn kinh tế do nhà nước sử dụng tiền ngân sách để đầu tư, kinh doanh, sản xuất không đúng với ngành nghề được giao vì lợi ích cục bộ hoặc lợi ích của một nhóm người. Tình trạng đó gây hậu quả nghiêm trọng về chính sách, bất bình đẳng trong doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác. Để hóa giải những hệ lụy xấu đã và đang xảy ra nhằm đưa chính sách và luật doanh nghiệp đồng thuận và nhất quán, lúc này cần có cách hành xử trúng, chuẩn, linh hoạt. Theo đó, cần phải quan tâm đến ba vấn đề lớn - cũng là ba yếu tố quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế:

1- Chính phủ cần tái cấu trúc lại bộ máy công quyền với tiêu chí thực tài, thực tâm và thực ý dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Chỉ người hội tụ đủ ba yếu tố này mới đủ khả năng gánh vác trọng trách của nhân dân, đất nước giao phó. Họ sẽ lấy lợi ích của nhân dân làm tối thượng và trung thành với Tổ quốc Việt Nam. Họ sẽ có trách nhiệm hiến kế, tham mưu về đường lối, chính sách ngắn hạn và dài hạn giúp Đảng, Chính phủ ban hành ngay những quyết sách về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng phù hợp với chủ trương của Đảng và hợp với lòng dân.

2- Doanh nghiệp là người lính xung trận trên mặt trận kinh tế, chính sách của nhà nước ban hành khi đã trúng, đúng thì phải được doanh nghiệp thực thi, áp dụng để tăng sản phẩm, hàng hóa, vật chất phục vụ cho con người, xã hội và xây dựng bảo vệ đất nước. Một khi doanh nghiệp nhà nước lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để trục lợi cho nhóm lợi ích mà làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế thì phải bị xử lý một cách nghiêm khắc.

3- Người dân là nguồn lực chính trong các doanh nghiệp nói riêng và là nền tảng của một quốc gia. Trong thời kỳ đổi mới, mở cửa của đất nước, với hơn 80 triệu dân, Việt Nam được coi là đất nước có nguồn lao động trẻ, lao động phổ thông giá rẻ… để làm tiêu chí thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kỷ nguyên lao động giá rẻ không còn nữa khi dân trí của người dân được nâng cao, khi định hướng về đào tạo tay nghề được thay đổi, kỹ năng làm việc, văn hóa trong lao động và nhận thức của người lao động chuẩn mực ngang bằng với khu vực và thế giới. Đòi hỏi về tiền lương, môi trường làm việc, chất lượng cuộc sống sẽ khác hẳn với thời kỳ đầu của 2 thập niên đã qua. Vì vậy phải có cách nhìn khác cũng như cách khai thác hợp lý hơn nguồn lực lao động trên tinh thần mới.

Muốn tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam chúng ta phải tiến hành ngay ba việc lớn một cách đồng bộ, không thể tách rời, xác định rõ mục tiêu và lộ trình cụ thể để đưa ra chính sách phù hợp lòng dân, đúng luật pháp Việt Nam và không trái các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Chỉ khi nào hội tụ đủ ba yếu tố trên, chúng ta mới thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế.

Nguyễn Hoài Bắc