Vì một ASEAN không vũ khí hạt nhân

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:21, 20/07/2010

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 4 * Trao đổi văn kiện phê chuẩn Việt Nam - Thái Lan * Trao giải cuộc thi

* Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 4
* Trao đổi văn kiện phê chuẩn Việt Nam - Thái Lan
* Trao giải cuộc thi "Cộng đồng ASEAN đoàn kết và thịnh vượng"

(HNM) - Ngày 19-7, các hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM 43) và các hội nghị liên quan diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) đã bắt đầu bằng Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN lần thứ 4 (APSC 4) và Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN.

Các trưởng đoàn chụp ảnh chung. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Diễn ra trong bối cảnh "phi hạt nhân hóa" khu vực ASEAN đang được các quốc gia đặc biệt quan tâm, các bộ trưởng tham dự Hội nghị Ủy ban SEANWFZ nhất trí tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động tăng cường Hiệp ước SEANWFZ, trong đó có việc tích cực tham vấn và thúc đẩy sự ủng hộ của các quốc gia có vũ khí hạt nhân đối với Hiệp ước này. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Washington (Mỹ) tháng 4-2010 và Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân tháng 5-2010 tại trụ sở Liên hợp quốc (Mỹ), các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương về các vấn đề liên quan đến giải giáp vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hội nghị đã bầu Indonesia làm Chủ tịch Ủy ban SEANWFZ kể từ tháng 1-2011.

Khai mạc Hội nghị SOME lần thứ 28


(HNM) - Sáng 19-7, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM 28), 10 đoàn quan chức cấp cao các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Năng lượng ASEAN, Diễn đàn tiết kiệm và bảo tồn năng lượng ASEAN đã nhóm họp Hội nghị các quan chức cấp cao năng lượng ASEAN (SOME) lần thứ 28 do ông Cao Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công thương, Việt Nam - Chủ tịch SOME 28 chủ trì.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về hoạt động hợp tác trong lĩnh vực điện, dầu khí, năng lượng hạt nhân dân sự, tiết kiệm năng lượng, chính sách và kế hoạch năng lượng trong khu vực: Diễn đàn hợp tác trong lĩnh vực than Đông Nam Á, chính sách năng lượng khu vực, diễn đàn tiết kiệm và bảo tồn năng lượng Đông Nam Á, diễn đàn năng lượng tái tạo Đông Nam Á, Trung tâm năng lượng ASEAN, dự án kết nối đường ống dẫn khí và dự án kết nối mạng lưới điện Đông Nam Á… Bên cạnh đó, Hội nghị SOME 28 cũng chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị AMEM 28 và hợp tác, đối thoại với các đối tác: Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí bầu Việt Nam làm Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng AMEM 28.

Bình Minh

Được 10 nước thành viên ASEAN ký năm 1995 và có hiệu lực từ năm 1997, đến nay SEANWFZ đã trở thành một bộ phận quan trọng trong việc xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do và trung lập. Các thành viên ASEAN đã cam kết rất rõ trong Hiệp ước, đó là "không phát triển, sản xuất, tìm kiếm, sở hữu hay kiểm soát vũ khí hạt nhân; không triển khai, lắp đặt, tàng trữ hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân bằng bất kỳ phương tiện nào". Hiệp ước cũng quy định rằng các nước ASEAN "không tiến hành thử hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân" đồng thời "không thải nguyên liệu và chất thải phóng xạ trên đất, xuống biển và trên không trung hoặc cho phép các nước khác làm việc đó".

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề phi hạt nhân ở khu vực ASEAN được nhắc đến. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 16-4 vừa qua ở Hà Nội, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN, trong đó cũng đã nhắc lại cam kết thực hiện Hiệp ước SEANWFZ và Kế hoạch hành động của Hiệp ước, thúc giục các quốc gia có vũ khí hạt nhân xem xét sớm tham gia Nghị định thư của SEANWFZ nhằm thúc đẩy hơn nữa Khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á. Trong phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington, lãnh đạo các quốc gia dự hội nghị nhất trí cho rằng, trong bồi cảnh ngày càng nhiều quốc gia mong muốn phát triển chương trình hạt nhân dân sự và nguy cơ khủng bố quốc tế gia tăng, vấn đề cấp thiết là bảo đảm an ninh hạt nhân. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó phát biểu khẳng định, Việt Nam tích cực đóng góp vào việc xây dựng một khu vực Đông Nam Á phát triển phồn thịnh và không có vũ khí hạt nhân; ủng hộ mạnh mẽ và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Rõ ràng việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia, nhưng cũng đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.

Một hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ AMM 43 ngày 19-7, tại Hà Nội là Hội nghị APSC 4. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã kiểm điểm tình hình triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN kể từ Hội nghị APSC lần 3 cũng như các hoạt động do các cơ quan chuyên ngành trong trụ cột APSC tiến hành thời gian qua. Các bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển mới đáng chú ý như việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng với các đối tác (ADMM+) trong năm 2010, việc tổ chức họp Nhóm công tác chung về DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, các hoạt động trong khuôn khổ AICHR, TAC, hợp tác về cứu trợ thiên tai v.v... Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các chương trình và biện pháp hợp tác; tập trung thực hiện 14 lĩnh vực ưu tiên đã xác định, đồng thời cân nhắc, bổ sung những lĩnh vực mới khi cần thiết nhằm giúp ASEAN chuẩn bị và đối phó tốt hơn với các thách thức đang nổi lên.

Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy và phát huy vai trò của các công cụ bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực của ASEAN như Hiệp ước hợp tác và thân thiện (TAC), SEANWFZ, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) v.v... Theo đó, ASEAN cần triển khai xây dựng các chương trình và biện pháp cụ thể để thực hiện Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố tầm nhìn ARF; thúc đẩy triển khai hiệu quả (DOC); nỗ lực hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc ký nghị định thư thứ 3 của TAC tạo điều kiện để Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban châu Âu (EC) có thể tham gia hiệp ước này; đồng thời tăng cường hợp tác trong cứu trợ nhân đạo đối với người và thuyền gặp nạn trên biển.

Hôm nay (20-7), Lễ khai mạc AMM 43 sẽ diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới dự và phát biểu khai mạc hội nghị quan trọng này.

(HNM) - * Ngày 19-7, trước thềm AMM 43 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã hội đàm song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Sisulith; tiếp thân mật Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya - vừa đến Hà Nội tham dự AMM 43 và các hội nghị liên quan - đã ký Biên bản trao đổi Văn kiện phê chuẩn Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự, được ký tại Bangkok ngày 3-3 vừa qua. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 19-7-2010.

Trong khi đó, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Ủy ban quốc gia ASEAN tổ chức lễ trao giải cuộc thi tìm hiểu "Cộng đồng ASEAN đoàn kết và thịnh vượng". Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất cho ông Vũ Tiến, cán bộ hưu trí ở số 6C khu 3, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương cùng 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Đình Hiệp