5 tháng sau ngày chấn chỉnh giá điện nhà trọ: Vẫn như... xưa
Kinh tế - Ngày đăng : 11:26, 19/07/2010
Vẫn... cao gấp 3 lần!
Hầu hết người thuê trọ vẫn phải chịu giá điện ở mức cao.
Ảnh: Chí Cường
Theo Thông tư 08 của Bộ Công Thương, giá bán điện bình quân năm 2010 là 1.058 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, người đi thuê trọ, chủ yếu là sinh viên, người lao động tự do vẫn phải chịu mức giá điện cao gần gấp 3 lần giá điện bình quân do Nhà nước quy định là: 3.000 đồng/kWh. Thậm chí có nhiều nơi, chủ trọ còn viện cớ hao phí đường dây để thu đến 3.500 – 4.000 đồng/kWh.
Chủ nhà trọ căn cứ vào đâu để đưa ra các mức giá này? Ông Lân, 60 tuổi, một chủ nhà trọ ở thôn Thượng (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, đồng hồ tổng thực tế luôn cao hơn từng đồng hồ con cộng lại do những thất thoát, tiêu hao qua hệ thống dây dẫn. Mặt khác, có nhiều người thuê trọ cố tình gian lận, ăn cắp điện nên phải... lấy giá cao để bù lỗ?!
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Kinh doanh của Điện lực Từ Liêm - cho biết, tổn thất do đường truyền là có nhưng mức trội ra, hay mức thất thoát là không đáng kể. Việc các chủ nhà trọ lấy mức giá cao gấp 2 - 3 lần mức giá bình quân như vậy là không hợp lý.
Thực tế, nhà trọ luôn ở tình trạng “khan hiếm” so với nhu cầu ở, nên những người đi thuê trọ thường không có quyền lựa chọn hay mặc cả. Khi đến thuê nhà, giá điện nước đa phần do chủ trọ tự “áp đặt”.
Người đi thuê trọ có bức xúc cũng không làm gì được vì kiểu áp giá này từ lâu đã thành thứ luật bất thành văn. “Em biết là họ “bắt bí” mình nhưng không làm gì được đâu anh ạ. Trừ khi chủ trọ quá đáng quá chúng em mới đành chuyển chỗ” - Thu Ngọc, sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV cho biết. Lên Hà Nội học 2 năm mà Ngọc đã phải chuyển chỗ trọ đến 3 lần, lần nào cũng chỉ vì những khúc mắc quanh giá điện, nước dù cuối cùng thì các “thiệt hại” vẫn phải tự chịu.
“Ngoài vòng pháp luật” đến bao giờ?
Năm học mới đã cận kề, khi sinh viên quay lại thành phố đi học là “cuộc chiến” giá nhà, giá điện, giá nước lại bùng nổ. Dự định đến tháng 11 này mới cưới, nhưng anh Mạnh Hùng, nhân viên một công ty lập trình ở Hà Nội đã phải lo sốt vó đi tìm nhà từ bây giờ.
“Mình không tìm từ giờ thì mấy hôm nữa sinh viên lên thuê khó lắm, lại bị ép giá” - Anh Hùng nói. Còn chuyện giá điện, nước thì gần chục năm đi thuê trọ từ thời sinh viên đến giờ, Hùng cho biết: “Đó là chuyện thường ngày ở huyện, không có gì phải thắc mắc”.
Cùng với việc tăng giá điện từ 1/3/2010, Thông tư 08 của Bộ Công Thương còn quy định ưu đãi giá điện cho người thuê trọ. Theo đó người cho thuê trọ được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang. Với mức giá bậc thang thấp nhất hiện nay là 600 đồng cho 50 kWh đầu tiên thì thực tế nhiều người đi thuê trọ đang phải chịu giá gấp 5 lần mức giá họ đáng ra được hưởng.
Đến ngày 15/3/2010, Bộ Công Thương tiếp tục có Chỉ thị 11, yêu cầu các Sở Công Thương phối hợp với điện lực địa phương kiểm tra việc thực hiện ưu đãi giá điện cho các hộ cho thuê trọ. Chỉ thị nêu rõ, sinh viên, người lao động thuê nhà được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang nếu đáp ứng đủ điều kiện. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành.
Bộ Công Thương cũng nhận định, còn nhiều trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện của người thuê nhà với giá cao hơn so với quy định dù đã được mua điện từ các công ty điện lực với giá điện bậc thang. Các chủ nhà cho thuê đã lợi dụng quy định điều chỉnh giá điện nhằm thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên và người lao động thuê nhà...
Đến nay sau gần 5 tháng Thông tư 08 và Chỉ thị 11 của Bộ Công Thương có hiệu lực nhưng tình trạng chủ nhà trọ tự áp giá điện cao gấp 3, gấp 5 lần giá nhà nước vẫn chẳng thay đổi. Không lẽ, các ưu đãi của Nhà nước bị “ăn chặn”, các Thông tư, Chỉ thị của Bộ Công Thương chỉ có giá trị trên... giấy mà các cơ quan chuyên môn cấp dưới và các cấp chính quyền địa phương vẫn “bình chân như vại”?
Trong vai người đi thuê, tôi đến hỏi thuê tại một khu nhà trọ ở ngõ 89, Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) thì được phát giá: “Giá điện 3.000 đồng/số (1 số = 1 kWh). Nước 40.000 đồng/người/tháng”. Khi thắc mắc sao giá điện lại cao thế thì chủ nhà trọ thản nhiên trả lời: “Ở đây ai chả thu thế. Có chỗ người ta còn thu đến 4.000 đồng ấy chứ. Anh không thuê thì thôi”. |