Hơn cả sự đền ơn…
Giới trẻ - Ngày đăng : 10:05, 19/07/2010
Bác sĩ của Trung tâm đang khám bệnh định kỳ cho Mẹ Liệt sĩ |
Một trong những nơi như thế là Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 “đứng chân” ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa) đang thể hiện những cử chỉ có thể nói là hơn cả sự đền ơn…
Từ sự hài lòng của người được chăm sóc…
Quả thực, khi chúng tôi về đến nơi và tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra tại Trung tâm này mới thấy hết được mọi điều tưởng chừng như đơn giản chỉ là chăm sóc và nuôi dưỡng những người vô cùng đặc biệt là những thương binh và thân nhân liệt sĩ lại không hề dễ dàng chút nào... Không phải bởi sự khó khăn nhìn thấy mà do đây chính là một nơi mang ý nghĩa nhân văn cao cả, vì đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” của những người còn sống đối với người đi xa. Họ xác định đó là nhiệm vụ thiêng liêng bởi những người nằm xuống dường như “trông đợi” vào họ để “gửi gắm” người thân…
Tọa lạc trên một vùng đất khá xa trung tâm huyện lỵ, con đường đê dẫn chúng tôi tới nơi tĩnh lặng, thoáng, mát và được trải nhựa phẳng phiu. Mặc dù, ở địa phương này vẫn bị tiếng là khó khăn do thuần nông, nghèo khó, nhưng hạ tầng ở Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công lại được xây dựng tương đối khang trang, sạch sẽ, đủ đầy… Từ lối ra - vào với cánh cổng vững chãi luôn có người thường trực luôn có nụ cười thân thiện; khuôn viên sạch sẽ có sân chơi, nơi nghỉ ngơi thư giãn tản mát ở những mảnh vườn rợp bóng cây và rau xanh… Có thể nói, nơi đây được ưu tiên trang bị những gì tốt nhất trong khả năng có thể để phục vụ thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ, nhằm tạo cho họ có chất lượng sống tương đối ổn định và không khí đầm ấm, vui tươi… Đó cũng chính là mục tiêu, trách nhiệm của toàn thể anh chị em đang phục vụ tại Trung tâm này.
Khi chúng tôi đến, đã thấy sự rộn ràng của các nhóm: Ở hội trường lớn là các mẹ và vợ liệt sĩ đang ngồi xem ti vi và trò chuyện rôm rả; ở các phòng tập thể thao cũng nhộn nhịp không kém... Thu hút chúng tôi nhiều nhất là ở phòng ngâm chân, mat-xa... Các bà, các mẹ và những thương binh được nhân viên ở Trung tâm chăm sóc tận tình như ở dịch vụ bên ngoài... Nhưng, điều khiến chúng tôi xúc động nhất là tại các phòng chăm sóc đặc biệt dành cho Bà mẹ VNAH, những người bị liệt toàn thân, liệt nửa người, có vấn đề về thần kinh... Hầu hết ở đây đều có nhân viên cắt cử trực theo ca đảm bảo 24/24h chăm sóc họ từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân... Chúng tôi dừng lại khá lâu ở căn phòng dành cho 1 bà mẹ liệt sĩ hơn 90 tuổi, nằm liệt giường từ nhiều năm nay. Khá ngạc nhiên là khi vào thăm, không hề thấy bất cứ một mùi khó chịu nào như vốn có từ người bị ốm lâu năm mà thay vào đó là sự sạch sẽ hiếm thấy từ sàn nhà, giường nằm, vật dụng cá nhân... nhất là hình ảnh bà mẹ liệt sĩ nằm đó đầy sự thanh thản, hài lòng hiện lên khuôn mặt, ánh mắt khi nhân viên ân cần bón từng thìa cháo với thái độ rất nhẫn nại, xót thương như đang chăm sóc chính người thân của mình... Chỉ thế thôi, đã thấy rõ những người đang làm nhiệm vụ phục vụ tại Trung tâm này luôn đặt cái tâm và tấm lòng nhân hậu lên hàng đầu trong mọi công việc...
Trò chuyện với một bà mẹ liệt sĩ quê ở Mỹ Đức (có một con gái độc nhất đã lấy chồng xa), từng sống tại Trung tâm từ gần 10 năm nay, bà rất hồ hởi, nói: Chẳng có gì đáng phải phàn nàn cả. Ở đây chúng tôi coi như là nhà và các cháu phục vụ thì coi như con cái trong gia đình, nếu có gì chưa hài lòng, chỉ cần nhắc nhẹ là các cháu đều tiếp thu rất nhanh và làm rất tốt... Còn về chuyện sinh hoạt thì khá ổn định, ngày 3 bữa chính đủ đầy, có hoạt động thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ diễn ra thường xuyên... Khi hỏi về lúc ốm đau, những ngày lễ, tết, xa gia đình, các mẹ có buồn không thì nhận được câu trả lời: “Có chứ, nhưng khi được sự động viên kịp thời của cán bộ ở Trung tâm thì lại thấy vui ngay”. Thật bất ngờ, khi nghe bà khoe: “Tôi còn có 1 quyển sổ tiết kiệm hơn 20 triệu đấy nhé, để phòng khi ốm đau, bệnh tật...”, “Vậy, tiền từ đâu ạ?”, “Đó là số tiền tiết kiệm trong khoản lương hàng tháng được hưởng từ chính sách người có công...”.
…đến tâm tư của những người trong cuộc…
Đem câu chuyện này trao đổi với Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Nhiêu, ông cho biết: Đó là chuyện thường ở Trung tâm này; có người còn tiết kiệm được hơn 50 triệu do có “thâm niên”... Ban đầu, chúng tôi cũng phải khó khăn lắm mới thuyết phục được họ có kế hoạch tiết kiệm bởi người già nay ốm, mai đau, bệnh tật thì khó lường, nếu chỉ trông vào sự chăm sóc nhiệt tình của cán bộ Trung tâm thì cũng không xuể vì bản thân đời sống anh chị em ở đây đã khó khăn rồi... Hiểu được thiện ý của chúng tôi, mỗi đối tượng đang được chăm sóc ở đây đều có ý thức tiết kiệm, khi được khoảng 5 triệu đồng là chúng tôi động viên họ gửi tiết kiệm tại ngân hàng, ai không có khả năng đi lại, cán bộ Trung tâm sẽ làm giúp và công khai minh bạch... Cũng nhờ khoản tiền tiết kiệm này mà có nhiều người yên tâm khi tuổi già, bệnh tật và chúng tôi cũng thấy bớt được nỗi lo lắng khi chẳng may có người mắc bệnh hiểm nghèo... Khi người nào qua đời, số tiền còn dư sẽ được lập biên bản giao lại cho người thân...
Tâm sự với chúng tôi, ông Nhiêu cho biết: “Cái khó khăn nhất của chúng tôi không hẳn là chuyện đời sống của cán bộ công nhân viên còn nhiều thiếu thốn, tất nhiên chỉ với thu nhập khiêm tốn từ lương cơ bản thì đó không thể nói là dư dả. Dù vậy, nhiệm vụ hàng đầu được xác định đó là chăm lo cho người có công để họ được sống vui, khỏe, hạnh phúc… thì gặp cũng không ít khó khăn. Chuyện đời sống vật chất thì họ đã có tiêu chuẩn được quy định ở chính sách của Nhà nước, cho nên, chỉ cần “khéo co thì ấm”. Điều đáng nói nhất là lực lượng phục vụ của Trung tâm hiện nay vẫn còn quá “mỏng”. Chỉ với 38 người phục vụ, từ chuyện sinh hoạt hàng ngày cho đến bộ phận hậu cần, y tế… đều “căng” mình ra mới làm tốt được nhiệm vụ nuôi dưỡng thường xuyên từ 50-52 người là thương binh, mẹ và vợ liệt sĩ. Bên cạnh đó, hàng năm, Trung tâm còn tổ chức tiếp nhận và điều dưỡng luân phiên 4.000 lượt người có công… Từ việc lo nơi ăn, chốn nghỉ, tham quan… cũng không hề đơn giản. Bình thường đã bận rộn, nhân viên luôn chân luôn tay “nhảy việc” – có thể nói khi cần thiết nhân viên y tế cũng phải làm thay công việc của văn thư, đi chợ, nấu ăn… thậm chí là trực chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện khi họ phải nằm điều trị những bệnh nan y… Bởi vậy, để chuyên tâm làm tốt công việc ở Trung tâm này, thì phẩm chất đầu tiên của cán bộ, nhân viên là không được nề hà và không quản thời gian khuya sớm… Trách nhiệm là vậy, nhưng nghĩ sâu sắc thì với nhân viên ở đây, ngoài việc ở Trung tâm thì họ vẫn phải có gia đình cần bàn tay họ chăm sóc, bởi vậy, Ban giám đốc luôn nghĩ đủ các phương án linh hoạt để họ có thể vừa làm tốt cả 2 nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đó là “việc Trung tâm” và “việc nhà”… Một trong những sự linh hoạt đó là thay phiên nhau theo từng ca ngắn, thậm chí mỗi ca có thể tính bằng 1-2 tiếng đồng hồ… Ngay như bản thân tôi (đồng chí Giám đốc), cách nhà chỉ 20km mà cũng 2 tuần mới được về 1 lần vì cũng phải luân phiên trực ở Trung tâm… Giá mà, chúng tôi được bổ sung thêm khoảng 20 biên chế nữa thì cũng bớt được nhiều sự vất vả cho anh em và chất lượng phục vụ của thương binh, thân nhân liệt sĩ cũng sẽ được nâng lên rất nhiều…
Tuy vậy, đó cũng chưa hẳn là sự khó khăn lớn nhất của Trung tâm, mà điều cốt yếu nhất ở đây là sự gắn kết giữa cán bộ, nhân viên và những người được nuôi dưỡng, chăm sóc… Nhớ lại những ngày tháng cách đây không xa, khi Trung tâm còn thêm một nhiệm vụ nữa là nuôi dưỡng những thương binh nặng: Người thì hỏng mắt, người thì còn mảnh đạn trong người, người thì chân tay không lành lặn, thậm chí mất cả chân và tay… Họ rất khó tính trong mọi vấn đề, để chăm sóc họ là cả một sự nhẫn nại, chịu đựng, đôi khi là bị…đánh, bởi nếu chỉ một sơ sảy nhỏ trong quá trình chăm sóc khiến họ không vừa ý, họ có thể dùng nạng đánh nhân viên, cán bộ là chuyện thường ngày… Có cán bộ, nhân viên đã từng bị đánh chảy cả máu đầu, sưng trán… nhưng vẫn không dám “có ý kiến”, không phải vì họ sợ hay không đủ sức chống lại mà đơn giản là họ có sự xót thương, đồng cảm với nỗi đau thể xác của người đã cống hiến tuổi thanh xuân, một phần thân thể cho đất nước… Ngay như người bình thường, trái gió trở trời, ốm đau, bệnh tật còn thấy mệt mỏi nữa là những người không còn lành lặn và luôn bị vết thương hành hạ… Tôi cũng từng là người lính, bản thân tôi hiểu quá rõ tâm lý của đồng đội chứ… - Giám đốc Nhiêu trầm ngâm – Bởi vậy, tôi luôn nêu gương và động viên anh chị em trong Trung tâm cùng tìm cách “kéo” thương binh về bên mình để họ hiểu mà ủng hộ, tạo điều kiện cho những việc làm của anh chị em trong quá trình phục vụ… Bản thân tôi là người “tửu lượng” kém, nhưng đã từng phải ngồi cùng anh em để uống rượu cùng họ, sống cùng họ, thậm chí là ngủ cùng với họ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó tìm ra cách giúp họ và Trung tâm gần nhau và gắn bó hơn… Bởi vậy, cho đến tận bây giờ, khi những thương binh nặng khó tính ấy không ở Trung tâm nữa mà đã về an dưỡng tại địa phương (theo chủ trương của Đảng và Nhà nước) vẫn còn coi Trung tâm như chính ngôi nhà thứ hai của mình và họ đã trở thành anh em thân thiết với những người trong Trung tâm.
Với thương binh thì như thế, còn những người là thân nhân liệt sĩ thì cũng không ít chuyện rắc rối. Trong số họ cũng có những người khá “công thần”, rồi tính khí thất thường, thói quen xấu cũng không ít, thậm chí có cả chuyện mâu thuẫn trong số họ dẫn đến cãi nhau, gây nên sự lộn xộn, phức tạp trong Trung tâm… Những lúc như vậy, bằng rất nhiều hình thức, từ động viên, hòa giải, nhu – cương phối hợp để giải quyết sao cho ai cũng thấy hài lòng thì không phải là câu chuyện đơn giản… Chúng tôi tự nhận thấy đó không chỉ là trách nhiệm mà còn phải có cả tấm lòng của một người con, người cháu ruột thịt đối với cha mẹ, ông bà… mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất!
“Liệu còn khó khăn gì mà ông chưa nói nhỉ? Hình như chúng tôi thấy các phòng đều được trang bị điều hòa nhiệt độ mà không thấy hoạt động, hay các cụ, các mẹ không thích dùng điều hòa nhiệt độ mà chỉ muốn dùng quạt điện cho…lành?” – Như được khơi gợi, vẻ e dè của ông Nhiêu đã được cởi bỏ, ông cho biết, đó là sự trang bị thiết bị, nhưng chỉ làm…cảnh! Giải thích cho sự ngạc nhiên của chúng tôi, giọng ông thoáng buồn: “Nói thì lại bảo chúng tôi hay kêu, nhưng thực ra, có phải chỉ kêu cho riêng Trung tâm đâu, mà đây là muốn các thương binh và thân nhân liệt sĩ được sống tốt hơn mà thôi! Chúng tôi chỉ là đơn vị sự nghiệp không có thu, 100% là ngân sách Nhà nước cấp cho mọi hoạt động, nhưng, cũng không hiểu sao lại phải dùng điện giống như ở đơn vị sự nghiệp có thu và phải chịu cả VAT. Với mức thu phí điện như vậy, chúng tôi không đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho điều hòa nhiệt độ, mà chỉ dám dùng quạt điện mà thôi! Chẳng biết, sau này có được điều chỉnh cho phù hợp không đây?”.
Chia sẻ tâm tư với Giám đốc Nguyễn Văn Nhiêu, chúng tôi cũng cảm thấy có điều gì đó như là sự mắc lỗi với những người đang cùng nhau chung sống dưới “mái nhà” Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công nơi này – nơi có những người thân của các anh hùng liệt sĩ, không tiếc tuổi xuân đã ngã xuống cho sự phồn vinh hôm nay… Trong chúng tôi, cứ thầm nghĩ, giả sử có một cách nào đó để họ bớt khó khăn và được sống đủ đầy hơn thì âu cũng là một sự “đền ơn đáp nghĩa” tốt nhất đối với những người thân của họ - những người tình nguyện cống hiến chồng, con mình cho màu xanh của đất nước!