Ba Vì: Biến tiềm năng thành sức mạnh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:43, 19/07/2010

(HNM) - Huyện Ba Vì xứ Đoài có truyền thống văn hóa lâu đời. Nơi đây giàu tiềm năng du lịch và nông nghiệp, gắn với những huyền thoại, nhiều di tích lịch sử - văn hóa của các dân tộc đang được bảo tồn và phát triển. Những năm gần đây, Ba Vì đã năng động chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa dạng theo hướng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Thu hái chè tại Ba Vì.


Khai thác lợi thế
Vùng đất Ba Vì địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ của 26,6 vạn người, gồm ba dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống, bao bọc bởi dãy núi Ba Vì, được sông Hồng, sông Đà bồi đắp tạo thành những thế mạnh để Ba Vì khai thác tiềm năng phát triển kinh tế. Những năm gần đây, Ba Vì đã năng động khai thác vùng đất đồi gò và miền núi, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh dịch vụ, du lịch và xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện.

Trong sản xuất nông nghiệp, Ba Vì chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tiếp nhận giống mới, cải tiến quy trình canh tác, tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Nhiều biện pháp thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới có tính đột phá như hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI, gieo lúa thẳng hàng bằng giàn sạ kéo tay, sử dụng chế phẩm sinh học, các giống cây con mới… đã tạo bước chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện đã sản xuất được 74.000 tấn lương thực, bảo đảm an ninh lương thực và một phần làm thức ăn chăn nuôi. Nổi bật là những sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường với thương hiệu mạnh như sữa bò Ba Vì, chè Ba Vì, nước khoáng Tản Viên...

Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đạt trên 9%/năm, đến nay trên địa bàn huyện đã có 3.500 con bò sữa, 50.000 con bò thịt, 1,8 triệu con gia cầm và gần 200.000 con lợn, là một trong những huyện có sản phẩm chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, Ba Vì đang tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, chuyên canh 1.600ha chè, sản lượng 13.000 tấn/năm, cung cấp nguyên liệu cho 6 nhà máy chế biến chè xuất khẩu; 1.800ha nuôi trồng thủy sản và đang quy hoạch 2 khu chăn nuôi thủy sản chuyên canh ở vùng Cổ Đô - Vạn Thắng với diện tích gần 500ha, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp hàng hóa.

Những năm gần đây, Ba Vì đã xác định đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như Ao Vua, Khoang Xanh, Thiên Sơn Suối Ngà, Suối Mơ, Vườn Quốc gia Ba Vì, hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, rừng nguyên sinh Bằng Tạ, đồi cò Ngọc Nhị, suối khoáng nóng Thuần Mỹ... Ba Vì đã thu hút 15 doanh nghiệp phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ; tăng trưởng du lịch bình quân từ 22% - 25%/năm (kể cả số lượt du khách đến tham quan và doanh thu từ dịch vụ). Dự kiến năm 2010, du lịch Ba Vì đón 1,8 triệu lượt khách, tạo việc làm cho 1.400 lao động và hàng ngàn lao động cung ứng dịch vụ tại các vùng du lịch. Để du lịch phát triển bền vững, Ba Vì đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu sườn Tây, sườn Đông núi Ba Vì, Khu du lịch hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, khu nước khoáng nóng Thuần Mỹ, xây dựng các hồ đập, rừng cảnh quan, bảo tồn hệ sinh thái Vườn Quốc gia Ba Vì... phấn đấu trong những năm tới trở thành vùng du lịch hấp dẫn nhất của Thủ đô.

Kinh tế, văn hóa, xã hội khởi sắc

Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu nhiệm kỳ 2010-2015


+ Tốc độ tăng trưởng GDP: 14,5%/năm
+ Tỷ trọng các ngành kinh tế:
   - Nông, lâm nghiệp: 26%
   - Công nghiệp: 24%
   - Thương mai, dịch vụ: 50%
+ Về văn hóa, xã hội:
   - Phấn đấu đến năm 2015: Có 30-35% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; 40-50% số trường đạt chuẩn quốc gia.
   - Xóa đói giảm nghèo trên 3%/năm.
   - Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, mỗi năm giải quyết việc làm cho 8.500 lao động.
+ Lựa chọn khâu đột phá: Công tác cán bộ, cải cách hành chính, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

5 năm qua (2005-2010), Ba Vì đã tập trung xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, thành phố và nguồn lực đóng góp của nhân dân để xây dựng, nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi, các hồ đập miền núi... Đến nay 31/31 xã, thị trấn đã có đường giao thông thuận tiện đến trung tâm, làm mới trên 300km đường giao thông nông thôn và các đường liên xã; 100% xã, thị trấn có hệ thống viễn thông, điểm bưu điện - văn hóa xã, trạm y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; 191/230 thôn, bản đã có nhà văn hóa, hệ thống hạ tầng cơ sở được nâng cấp đáng kể, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, Ba Vì được thành phố đánh giá cao trong công tác xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều biện pháp thiết thực như xây dựng mô hình hỗ trợ, cho vay vốn, giúp đỡ kỹ thuật, giống, hướng dẫn cách làm ăn, nên tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Vì giảm trên 3%/năm. Nhờ kinh tế phát triển, Ba Vì có điều kiện chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí và sức khỏe cho người dân.

Những thành tựu mà Ba Vì đạt được trong những năm qua là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung quyết liệt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đảng bộ đã tập trung củng cố xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ cơ sở. Huyện đã tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá là công tác cán bộ và cải cách hành chính; vì vậy an ninh chính trị được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng được quan tâm, giải quyết được những bức xúc trên địa bàn. Qua 5 năm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2005-2010), Ba Vì rút ra 6 kinh nghiệm:

Một là, thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm theo sự điều hành của thành phố, quán triệt sâu sắc những quan điểm, chủ trương, các nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Thành ủy. Bám sát cơ sở phát hiện những vấn đề mới, bàn thảo và ra nghị quyết kịp thời, tập trung lãnh đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT các cấp đối với việc tổ chức thực hiện nghị quyết .

Hai là,
coi trọng công tác tư tưởng chính trị, giáo dục và rèn luyện đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong đảng về nhận thức và hành động.

Ba là,
tập trung lãnh đạo coi trọng phát triển kinh tế là trung tâm, hàng đầu.

Bốn là,
tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Năm là,
đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của các ban đảng, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các phòng, ban chuyên môn, làm tốt chức năng và vai trò tham mưu giúp cấp ủy trên từng lĩnh vực, hướng dẫn và chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sáu là, tập trung khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, tạo sự đồng thuận xã hội nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đúc kết được nhiều bài học quý từ thực tiễn, đạt được thành tựu ở hầu hết các lĩnh vực, Ba Vì đang trên đà phát triển với những triển vọng đáng phấn khởi. Phát huy kết quả đạt được, Ba Vì bước vào một thời kỳ mới với quyết tâm cao nhất để trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

Hoàng Thanh Vân