Đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 19/07/2010

(HNM) - Bão Côn Sơn khi đi vào đất liền đã nhanh chóng biến thành vùng áp thấp nhiệt đới và gây mưa trên diện rộng. Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đánh giá, do các tỉnh phản ứng nhanh nên giảm được đáng kể thiệt hại. Các địa phương đang tập trung lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả. Tại TP Hà Nội, bão đã gây mưa trung bình khoảng 50mm, không gây úng ngập.

* Hàng chục người mất tích, 300 ngôi nhà bị tốc mái; 61 tàu thuyền hư hỏng và đắm
* Chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới mới xuất hiện
(HNM) - Bão Côn Sơn khi đi vào đất liền đã nhanh chóng biến thành vùng áp thấp nhiệt đới và gây mưa trên diện rộng. Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đánh giá, do các tỉnh phản ứng nhanh nên giảm được đáng kể thiệt hại. Các địa phương đang tập trung lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả. Tại TP Hà Nội, bão đã gây mưa trung bình khoảng 50mm, không gây úng ngập.

Công nhân môi trường đô thị thu dọn cây đổ sau cơn bão. Ảnh: Viết Thành

Giảm thiểu thiệt hại
Chiều qua, 18-7, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã họp, đánh giá toàn bộ thiệt hại do bão Côn Sơn gây ra cho biết, bão đã làm hơn 300 ngôi nhà ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị tốc mái; 27 tàu, thuyền bị đắm, vỡ (chủ yếu của Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi); 34 tàu bị trôi; 33 lồng bè nuôi hải sản bị vỡ, trôi. Các địa phương đang khẩn trương tìm kiếm hàng chục người mất tích, trong đó có 27 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và 1 phụ nữ bị sóng cuốn khi tắm biển ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Quân chủng Hải quân đã điều 3 tàu tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn và đã ra tới vùng biển quần đảo Hoàng Sa, đang tìm cách tiếp cận các tàu gặp nạn. Trước đó, tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy 5 người mất tích, tất cả còn sống. Về trường hợp cháu bé chưa xác định danh tính ở phường Yết Kiêu, TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị chết đuối do lật thuyền, cơ quan chức năng khẳng định nguyên nhân không phải do bão.

Nhận định về công tác phòng, chống bão Côn Sơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho rằng, các địa phương đã chủ động, phản ứng nhanh nên giảm thiểu thiệt hại.

Tại TP Hải Phòng, theo ghi nhận của PV Hànộimới vào sáng 18-7, TP đã huy động lực lượng công an, quân đội và lực lượng tại chỗ dọn dẹp cây đổ, khắc phục sự cố về điện, khơi thông cống rãnh... bảo đảm giao thông trên các tuyến đường nội thành. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Hải Phòng cho biết, bão đã làm 3 người bị thương; 103 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, tập trung ở các huyện Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Vĩnh Bảo... Bão làm 4 tàu du lịch của Quảng Ninh bị chìm, vỡ 1 bè nuôi thủy sản, 1 xuồng bị đắm tại Bạch Long Vĩ. Cầu Bính bị hư hại nặng do 3 tàu biển đứt neo, trôi va chạm; âu cảng Bạch Long Vĩ gẫy 1 cẩu hàng; dự án khu du lịch Hòn Dấu gẫy đổ 19 cột điện; sạt lở 200m kè chắn sóng... Trao đổi với Hànộimới, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, dù là địa phương bị tâm bão đi qua nhưng bằng sự chủ động, quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành nên Hải Phòng bị thiệt hại do bão gây ra không đáng kể, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên một số địa phương vẫn không kiên quyết di chuyển phương tiện, người ở tàu, bè lên bờ, gây chìm, đắm. Thông tin trong bão vẫn bị gián đoạn, một vài thời điểm cấp thiết không kết nối được, gây khó khăn trong chỉ huy, xử lý.

Cung cấp điện ổn định trở lại

VNPT bảo đảm thông tin thông suốt trong cơn bão số 1


(HNM) - Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, mạng lưới viễn thông của VNPT đã không bị thiệt hại và bảo đảm liên lạc thông suốt. Đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô (Quảng Ninh), được coi là hai vùng chịu ảnh hưởng mạnh, hệ thống mạng lưới của VNPT đã không bị mất liên lạc kể cả di động lẫn cố định. Tại các tỉnh bị ảnh hưởng của bão, các đơn vị của Tập đoàn đã bảo đảm liên lạc thông suốt. VNPT cũng là nhà cung cấp đường truyền phục vụ các điểm cầu truyền hình cho Đài Truyền hình Việt Nam phát tin trực tiếp về các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão vào tối 17-7. Theo thống kê, chỉ có 5 trạm thu phát sóng bị mất liên lạc trong thời gian ngắn do mất điện, tuy nhiên đây là những trạm nhỏ lẻ, có lưu lượng rất thấp nên nhìn chung không ảnh hưởng đến thông tin liên lạc.

Châu Anh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến 15h00 ngày 18-7, các hồ chứa của nhà máy thủy điện đều vận hành bình thường, không xả lũ. Mực nước và lưu lượng nước về hồ lúc 13h ngày 18-7: hồ Sơn La: 151,36m-1.250 m3/s; hồ Hòa Bình 86,94m-2.900 m3/s; hồ Tuyên Quang 92,41m-270 m3/s; hồ Thác Bà 46,32m-193 m3/s. Các nhà máy thủy điện, lưới điện 500 kV đều vận hành bình thường.

Hồi 17h45 ngày 17-7, máy biến áp AT2 - trạm biến áp 220kV Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị sự cố do bão làm đứt dây chống sét, đến 19h45 cùng ngày đã khắc phục xong. Một số đường dây 110 kV trong vùng bị sự cố, các đơn vị đã chủ động kiểm tra và khôi phục lại vận hành. Đường dây 110 kV Đồng Hòa - Vĩnh Bảo bị đổ cột số 54, đã tách vùng sự cố và cấp điện lại theo mạch khác, đến 17h00 ngày 18-7 xử lý xong. Đường dây 110 kV Đình Vũ - Đồng Hòa bị đứt dây lúc 21h20 ngày 17-7 và đã khắc phục xong lúc 10h55 ngày 18-7. Đường dây 110 kV Hoành Bồ - Mông Dương bị đứt dây tại cột số 17, xử lý xong trước 17h00 ngày 18-7...

Lưới điện 110 kV khu vực Hà Nội vận hành bình thường. Có 20 đường dây và 1 trạm biến áp trung thế bị sự cố, nhưng đều được xử lý xong và cấp điện ổn định lại lúc 9h00 ngày 18-7 (đối với đường dây) và lúc 12h00 ngày 18-7 (đối với trạm biến áp).

Lưới điện 110 kV khu vực miền Bắc xảy ra 6 sự cố đều thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng. Có 172 sự cố trên lưới điện trung áp, trong đó Hải Phòng sự cố 87 đường dây, Quảng Ninh 35 đường dây, Thái Bình 30 đường dây, Nam Định 12 đường dây, Ninh Bình 5 đường dây, Thanh Hóa 2 đường dây và Lạng Sơn 1 đường dây. Thành phố Hải Phòng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, nhưng đến 12h ngày 18-7 hầu hết đã xử lý xong, trong đó đường dây vượt biển cấp điện cho đảo Cát Bà đã được khôi phục cấp điện trở lại lúc 10h30 ngày 18-7.

Người dân khắc phục hậu quả sau cơn bão tại huyện Đồ Sơn (Hải Phòng).
 Ảnh: Viết Thành


Ngay sau khi bão tan, các đơn vị của EVN đã tập trung toàn bộ nhân lực, vật tư để khắc phục sự cố và đến 17h00 ngày 18-7, tất cả đã hoàn thành, cung cấp điện ổn định trở lại.

Hà Nội: Vận hành 160 máy bơm chủ động tiêu nước
Đến sáng qua, mưa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chấm dứt. Ông Đào Quang Khải, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, lượng mưa trung bình toàn thành phố là 50mm. Một số địa phương như Ứng Hòa, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây lượng mưa trung bình từ 70mm đến 90mm. Mực nước trên sông Hồng, sông Đà và các hồ chứa vẫn chưa đến mức báo động lũ. Toàn bộ địa bàn nội, ngoại thành không xảy ra úng ngập. Trong ngày, các đơn vị thủy lợi tiếp tục vận hành 160 máy bơm chủ động tiêu nước đệm tại các lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy và 1 phần diện tích phía Bắc thuộc lưu vực do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát, triển thủy lợi Hà Nội phụ trách, đề phòng áp thấp nhiệt đới mới đang hình thành ngoài biển Đông đổ bộ vào đất liền. Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến chiều qua 18-7, toàn thành phố cơ bản hoàn thành cấy hơn 100.000ha lúa mùa, chỉ còn huyện Từ Liêm và quận Hà Đông còn một số diện tích lúa chưa cấy, trong khi đó khung thời vụ đã kết thúc từ ngày 15-7.

Công ty TNHH NN MTV Công viên - Cây xanh cho biết, gió lớn đã làm đổ và gãy cành 87 cây xanh trên địa bàn Hà Nội trong đêm 17-7 và rạng sáng 18-7, trong đó có 62 cây bị đổ. Nhiều cây đã đổ vào nhà dân và đường dây điện như cây ở số 94, 96 Võ Thị Sáu; số 47, 55 Giang Văn Minh; 37 Phố Huế… Ngay từ 5h sáng 18-7, Công ty đã triển khai lực lượng xử lý nhanh các cây đổ, cành gãy để bảo đảm an toàn tài sản cho nhân dân và bảo đảm giao thông trên các tuyến phố. Đến chiều, hầu hết cây đổ, cành gãy đã được giải tỏa.

Theo cơ quan khí tượng, lượng mưa do bão Côn Sơn gây ra không lớn như dự báo, phổ biến 50mm đến 100mm, một số nơi đạt trên 100mm như Chi Nê (Hòa Bình), Nam Định 160mm, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 130mm. Hôm qua, tại các tỉnh ven biển mưa đã giảm hẳn, các tỉnh miền núi phía Bắc mưa nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng cảnh báo tuy bão đã tan, nhưng hoàn lưu của bão vẫn có khả năng gây mưa ở các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa. Người dân vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. 

Áp thấp nhiệt đới mới hình thành có thể mạnh lên thành bão


Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, vùng áp thấp nhiệt đới vừa hình thành ở vùng biển Philippines chiều tối qua đang di chuyển về biển Đông và nhiều khả năng mạnh lên thành bão. Ngày 18-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thông báo kịp thời cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn xử lý khi có sự cố.

Nhóm PV Hànộimới