Ca sỹ Đức Tuấn: Mọi thứ không phải trên trời rơi xuống
Giải trí - Ngày đăng : 08:08, 18/07/2010
Ca sĩ Đức Tuấn. |
Với 4 album "nhạc xưa": "Đôi mắt người Sơn Tây", "Tình khúc Phạm Duy - Trịnh Công Sơn" và "Ảo Ảnh" (với Hồ Ngọc Hà) và "Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy", Đức Tuấn đã xác lập một vị trí riêng trong làng nhạc sau gần 10 năm đi hát, thử nghiệm ở nhiều dòng nhạc và tìm kiếm không ít sự hợp tác…
Năm 2009, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của nam ca sĩ này khi đưa âm nhạc Broadway về Việt Nam với quyết tâm thực hiện album "Music of the Night" và chương trình hòa nhạc cùng tên. "Music of the Night" (trong dự án "The Broadway Album" của Đức Tuấn) là tuyển tập gồm 11 bài hát, cũng là 11 trích đoạn từ 9 vở nhạc kịch nổi tiếng. Khi thực hiện album cho Đức Tuấn, nhạc sĩ hòa âm Ignace Lai đã đặt những trích đoạn nhạc kịch khá quen thuộc trên những bản hòa âm mới lạ, pha trộn giữa nhạc pop, điện tử, jazz với màu sắc âm nhạc cổ điển - tạo nên hiệu quả âm nhạc thú vị, đặc biệt với bài song ca "The phantom of the opera".
Hơn 500 khán giả xem live show "Music of the Night" diễn ra một đêm duy nhất tại TP Hồ Chí Minh với những ấn tượng đặc biệt về sự mới mẻ và… dũng cảm. Là ca sĩ pop đầu tiên trình diễn nguyên chương trình với dàn nhạc giao hưởng với sự cộng tác của ê-kíp nhạc sĩ, chuyên gia nước ngoài, Đức Tuấn đứng chung sân khấu với khách mời đẳng cấp quốc tế của dòng nhạc kịch musical nhưng anh không bị lép vế. Quan trọng hơn, anh đem đến phong cách âm nhạc giao thoa (crossover) giữa nhạc nhẹ và nhạc cổ điển phương Tây nhưng được "Việt hóa" bằng giọng hát Việt Nam và tâm hồn Việt Nam. "Tuấn phát âm tiếng Pháp và tiếng Anh trong các bài hát khá ổn. Sở hữu một giọng nam cao đẹp và truyền cảm, trong đêm diễn này anh đã thể hiện một phong cách đĩnh đạc, làm chủ được sân khấu", nhà báo Hữu Trịnh - Báo Thể thao - Văn hóa nhận xét.
Nhiều người trong giới đánh giá, "Music of the Night" không chỉ mở ra con đường mới cho Đức Tuấn mà còn mang lại cho các ca sĩ trẻ sự tự tin vươn tới những đẳng cấp âm nhạc cao hơn, ở tầm quốc tế. Sự lựa chọn của Đức Tuấn là khôn ngoan nhưng không kém phần mạo hiểm, bởi đó là dòng nhạc mà những người nghe nhạc kỹ tính muốn hướng tới và dễ làm cho ca sĩ "thăng hạng". Và sự "thăng hạng" của anh đã được ghi nhận với "cú đúp" giải thưởng Cống hiến. Với anh, các tác phẩm âm nhạc của thế giới luôn có sức quyến rũ đặc biệt và của các nước trong khu vực cũng vậy. Tôi muốn thử nghiệm với các tác phẩm ấy. Tôi làm sản phẩm âm nhạc dựa trên đam mê là chính. Nhiệm vụ của tôi là biến những gì mình yêu thích thành sản phẩm phù hợp với người Việt Nam. Nhạc của nước ngoài, thoạt đầu khó nghe, nhưng có cách làm để nó trở nên phổ thông và gần gũi hơn, chẳng hạn bằng hòa âm và cách hát. Việc chinh phục thị trường thế giới không chỉ là ước vọng và khó khăn của riêng tôi, mà khó với đa phần ca sĩ Việt Nam.
Nhưng ngay cả khi cuộc dấn thân của anh với nhạc kịch đã được ghi nhận thì điều này không đồng nghĩa với việc anh sẽ có nhiều cơ hội biểu diễn hơn và… thu nhập nhiều hơn. Đức Tuấn quả quyết: "Tôi đi hát không phải để kiếm tiền. Trước đây cũng như bây giờ, tôi không để cho tiền nong thúc ép mà hát chương trình không mong muốn. Ngoài thu nhập, tôi còn có nhiệt huyết và yêu mến công việc chứ không phải lúc nào cũng đem mọi thứ ra đong đếm".
Tiếp xúc với Đức Tuấn, thấy anh là người tỉnh táo và làm chủ được cảm xúc. Nhưng điều này có làm giảm cảm hứng và sự thăng hoa khi hát? Với anh, "Những giây phút cảm hứng và thăng hoa do chính mình gây dựng nên chứ không từ trên trời rơi xuống. Không thể thăng hoa nếu không chuẩn bị kỹ càng, không tập tành kỹ đến mức biến "nó" trở thành "cái của mình", thành bản năng và phản xạ… Hát lay động lòng người đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu và khổ luyện".