Những sân bóng buồn tênh

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 18/07/2010

(HNM) - Thế là hết hẳn những ngày vui cùng trái bóng Jabulani và tiếng kèn Vuvuzela từng làm nước chủ nhà Nam Phi và cả thế giới mê mệt hết ngày này qua ngày khác. Lúc này ban tổ chức nước chủ nhà Nam Phi bắt đầu thu dọn hậu trường, thu dọn các sân bóng trị giá hàng tỷ đôla. Thu dọn đấy mà không biết tương lai của những sân bóng này sẽ ra sao.

SVĐ Green Point ở Cape Town.


Bắt đầu từ sân bóng lớn nhất và hiện đại nhất Nam Phi, nơi diễn ra cả trận khai mạc và trận chung kết, Soccer City ở thành phố Johannesburg tới các sân Green Point ở Cape Town và Moses Mabhida của thành phố Durban. Những sân bóng này có kiến trúc và kỹ thuật xây dựng vào loại bậc thầy với những hình thức thi công tiên tiến nhất thế giới.

Sân bóng có vốn đầu tư đến 11 tỷ rand (1,5 tỷ đôla) cùng một khoản tiền bảo dưỡng hằng năm lên tới nhiều triệu đôla đã làm cho chính nước chủ nhà sốt ruột tìm hướng giải quyết nhưng chưa tìm ra.

Ở một đất nước mà môn bóng bầu dục có những thánh địa riêng, làm sao có thể cam đoan rằng những sân bóng đá ở Nam Phi không trở nên vô dụng trong khi bóng đá có sức hút kém hơn hẳn?

Tổ hợp cai quản sân Cape Town trị giá 4,5 tỷ rand cho biết, họ hy vọng có thể cho thuê với giá khuyến mãi để tổ chức các buổi hòa nhạc, các trận bóng bầu dục, các trận bóng đá trong nước và quốc tế, các hội nghị, vũ hội và các sự kiện khác. Số tiền thu được sẽ dùng để duy tu sân chờ một cơ hội mới như tổ chức Thế vận hội chẳng hạn.

Chủ tịch Chấp hành của Công ty hoạt động và duy trì các sân thể thao mang tên Sail StadeFrance Operating Company (SSOC) cùng là cựu Chủ tịch tổ chức bóng bầu dục quốc tế, ông Monrne du Plessis đã cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ có 10 sự kiện lớn được tổ chức ở 10 sân bóng trong thời gian tới".

Cách thức khôn ngoan nhất của những thành phố có sân bóng hiện nay là sẽ ký hợp đồng với những hãng tư nhân. Hằng năm các hãng tư nhân này ngoài việc duy tu sân bóng sẽ có quyền cho thuê tổ chức các sự kiện lớn. Tiền thu được, thành phố sẽ hưởng 30% và số còn lại thuộc về hãng tư nhân đó. Cách giải quyết này đưa ra có vẻ hợp lý nhưng giá trị kinh tế của nó lại vô cùng thấp. Chẳng hạn SSOC bàn với thành phố Cape Town trong hợp đồng có một điều kiện hết sức mỉa mai là: "Hằng năm SSOC chỉ phải trả cho thành phố Cape Town 1 rand nếu như sân bóng không sinh lời. Riêng khoản duy tu SSOC sẽ chịu hoàn toàn". Có lẽ những bế tắc này khiến Nam Phi đang hết sức cố gắng xin đăng cai Thế vận hội để tìm hướng giải quyết cho những sân bóng hiện đại sau World Cup...

Khánh Thiện