Chở củi về rừng?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 18/07/2010
Ví dụ, năm 2009, đàn bò sữa cả nước gần 200.000 con nhưng ta nhập khẩu đến 80% nguyên liệu sữa, "biếu" thiên hạ tới 500 triệu USD. Là đất nước nông nghiệp với cây trái bốn mùa xanh tốt, thế nhưng từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng ngập tràn hoa quả cùng chủng loại của Trung Quốc, Thái Lan… Rồi hằng năm, ta vẫn phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn, khô dầu đậu nành từ 25 nước trên thế giới…
Do lợi thế riêng của mỗi nước, có những mặt hàng nông sản chúng ta không thể cạnh tranh tại thị trường trong nước là điều đương nhiên, song hiện nay có những sản phẩm chúng ta có nhiều tiềm năng hơn nhưng vẫn phải chào thua trước hàng hóa các nước khác ngay trên sân nhà thì thật khó chấp nhận. Lý giải về tình trạng này, người ta cho rằng đời sống người dân nước ta ngày càng cải thiện nên nhu cầu về hoa quả, các loại thịt gia súc, gia cầm… cao cấp nhập khẩu từ nước ngoài ngày càng tăng cao là tất yếu. Một yếu tố nữa là do tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng Việt Nam. Một bộ phận người dân có tâm lý có tiền thì phải xài hàng sang và hàng sang thì phải là hàng nhập ngoại. Thế nhưng, nhìn ở một khía cạnh khác, nông sản Việt Nam chịu lép vế là do chất lượng sản phẩm của chính mình. Phải bỏ tiền ra mua, người tiêu dùng có quyền lựa chọn những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Nghịch cảnh "chở củi về rừng" gây thiệt hại lớn cho nền nông nghiệp trong nước, người nông dân thiệt đơn thiệt kép, nai lưng ra sản xuất mà hiệu quả đem lại vẫn rất thấp. Để chinh phục thị trường nội địa và cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, chí ít sản phẩm phải đạt được hai tiêu chí: chất lượng tốt và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến khi nào nông sản Việt Nam mới làm được điều đó để chấm dứt tình trạng "chở củi về rừng"?