Long Hưng, vùng đất phát nghiệp đế

Xã hội - Ngày đăng : 07:35, 18/07/2010

(HNM) - Đến nay, thông tin nhà Trần phát tích và phát nghiệp ở đâu vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo sử gia Ngô Sỹ Liên, họ Trần định cư ở Việt Nam tại vùng Đông Triều (Quảng Ninh), Chí Linh (Hải Dương), Tức Mặc (Thiên Trường - Nam Định) và Ngự Thiên, Long Hưng (Hưng Hà - Thái Bình). Có người nói nhà Trần phát nghiệp ở trấn Sơn Nam Hạ.

Nói thế không sai nhưng không rõ ràng.

Khu đền thờ tổ tiên nhà Trần và các vua Trần tại Tam Đường (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).


Tức Mặc, nơi phát tích
Trong Đại Nam nhất thống chí, thời Hùng Vương, đất Thái Bình thuộc bộ Lục Hải; thời thuộc Hán, có tên Đa Cương hương, quận Giao Chỉ; thời Đường, thuộc châu Đằng (gồm Thái Bình, Hưng Yên). Lý Cao Tông (1209) sau chia ra làm hai phần, một phần thuộc đất Hưng Yên (ngày nay là Khoái Châu), còn là phủ Thái Bình. Thời Trần, vua Thái Tông chia nước làm 12 phủ lộ. Đất Thái Bình được chia làm ba phủ, trong đó có phủ Long Hưng, gồm các huyện Ngự Thiên, Diên Hà, Thần Khê và huyện Tây Quan. Khi chiếm đóng nước ta, vì muốn xóa đi dấu tích của nhà Trần nên nhà Minh bỏ tên phủ Long Hưng và gọi là Trấn Man. Đời Lê, Thánh Tông (1469) thành lập trấn Sơn Nam (Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên...). Sau đó, lại chia nữa thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, gồm Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên.

Các tư liệu lịch sử trước đây và những công trình nghiên cứu ngày nay cho thấy, người đến ở Tức Mặc đầu tiên của dòng họ Trần có thể là Trần Kinh, làm nghề chài lưới. Trần Hấp (con Trần Kinh) dời mộ tổ sang đất Tam Đường, nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà (Thái Bình), đồng thời rời Tức Mặc sang Lưu Xá (nay thuộc xã Canh Tân, Hưng Hà) và sinh Trần Lý. Sau này, Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng (con vua Lý Huệ Tông) và được Chiêu Hoàng nhường ngôi vào năm 1225. Theo “An Nam chí lược” của Lê Tắc, “Thiên Trường phủ tên cũ là Tức Mặc hương, nơi phát sinh của họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung tại đó, mỗi năm đến một lần để tỏ ra không quên chỗ phát tích của ông bà rồi đổi tên là Thiên Trường phủ vào năm 1262”.

Cũng theo “An Nam chí lược”, phủ Long Hưng, tên cũ là Đa Cương hương, tổ tiên nhà Trần lúc còn hàn vi ban đêm đi qua một cái cầu khe, đi qua rồi ngoảnh lại không thấy cầu đâu nữa. Chẳng bao lâu, nhà Trần được nước, đổi tên Đa Cương thành Long Hưng phủ. Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (lên ngôi vua năm 1278), trong một lần ở cung Trùng Quang đã nói: “Nhà ta vốn ở vùng hạ lưu...”. GS Đào Duy Anh, trong lời chú số 14 của bản dịch quyển 6, “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Hạ lưu là vùng biển”. Ông Phạm Văn Kính (Viện Sử học Việt Nam) nói rõ hơn: Thôn Lưu Gia - Lưu Xá ở Hải ấp tức là những làng ấp ở ven biển, điều đó trùng với câu nói của vua Trần: “Nhà ta ở vùng hạ lưu”. Thần tích, thần phả ở làng Tây Nha (Tiến Đức, Hưng Hà) đã phát hiện nội dung ghi: “Trần Thừa ở Lưu Xá là rể Lê Điện. Con gái Lê Điện tên là Lê Thị Thái, sau này sinh ra Trần Liễu và Trần Cảnh, khi Trần Cảnh lên làm vua, bà được phong làm Quốc Thánh Hoàng Thái Hậu”. Cũng theo sử, “Sảm (vua Lý Huệ Tông) về Hải ấp ở nhà công quán thôn Lưu Gia, lấy con gái thứ hai của Trần Lý làm nguyên phi, lấy Trần Lý là Minh Tự”...

Dài dòng như vậy là để muốn làm sáng tỏ cũng như chấm dứt tranh cãi về gốc tích đất phát nghiệp đế của triều Trần: Tức Mặc (Nam Định) hay Hải ấp, Lưu Xá (Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình)? Những thông tin trên trong kho sử liệu góp phần giúp chúng ta minh định. Mặt khác, sách cũng ghi rõ: “Trần Tự Kinh dừng chân ở Tức Mặc với hai người con trai rất giỏi võ là Trần Tự Hấp và Trần Tự Duy. Về cuối đời, ông nghe theo lời của con trưởng (Tự Hấp) chuyển hẳn về đất Thái Đường (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) định cư lâu dài. Trần Tự Hấp ở Thái Đường sinh ra Trần Lý. Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung...”

Như vậy, tính từ đời Trần Hấp - từ Tức Mặc di cư sang ở đất Lưu Xá - đến đời Trần Cảnh (hoàng đế đầu tiên của nhà Trần), dòng họ Trần đã ở đất Lưu Xá, Hải ấp bốn đời. Tức Mặc rõ ràng chỉ là nơi “phát tích”.

Vùng đất phát nghiệp đế
Lưu Gia - Long Hưng mới là đất phát nghiệp đế vương của triều Trần.

Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2, Kỷ nhà Trần của Ngô Sỹ Liên) viết: “Giáp Ngọ năm thứ 3 (1234), mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, Thượng hoàng (Trần Thừa) băng hà ở cung Phụ Thiên (Thăng Long), thọ 51 tuổi. Mùa thu, tháng 8, ngày 28, chôn ở phủ Long Hưng, lăng ở hương Tinh Cương...”.

Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục chép: “Xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên (phủ Long Hưng) có bốn cái lăng: “Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông nhà Trần, lại có lăng của bốn hoàng hậu...”. Theo sử, mùa thu năm Kỷ Mùi (1259), Thái Tông Trần Cảnh bái yết Sơn Lăng (Sơn Lăng chỉ nơi chôn cất vua Trần). Đặc biệt, trong lễ mừng chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3 vào ngày 17 tháng ba năm Mậu Tý (1288), Thánh Tôn và Nhân Tôn đem các tướng của giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi và các vạn hộ (các viên tướng giặc được phong ăn lộc vạn hộ) về Chiêu Lăng để làm lễ cáo yết tổ tiên chiến thắng: “Hai vua và triều thần lưu lại Thái Đường 10 ngày rồi trở về kinh đô”. Mùa hạ năm 1312, Trần Minh Tông đi tuần sứ biên giới phía nam về cũng làm lễ báo tiệp tại lăng mộ tiên đế tại Thái Đường, phủ Long Hưng.

Hơn 700 năm trôi qua, các dấu tích của nhà Trần ở Hưng Hà vẫn còn đó. Đầu năm 2003, công trình tu bổ đền Trần được hoàn thành trên vùng đất phát nghiệp đế của triều Trần khi xưa: Làng Thái Đường.

Đặng Hùng