Tạo động lực cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 05:26, 17/07/2010
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Dệt 19-5. Ảnh: Huyền Linh |
Theo ông Đinh Văn Viện, Chủ tịch CĐ ngành, CĐ ngành đang quản lý 76 CĐ cơ sở, với tổng số 16.412 đoàn viên/22.276 CNVC-LĐ. CĐ ngành đã xây dựng nhiều nội dung thi đua, tập trung vào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; lao động giỏi - lao động sáng tạo; cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; luyện tay nghề, thi thợ giỏi; học tập nâng cao trình độ tay nghề chuyên môn, nghiệp vụ. Các phong trào thi đua của CĐ gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa...
Đã có nhiều đơn vị tập trung đầu tư trang thiết bị thay thế máy móc, đào tạo tay nghề cho công nhân vận hành, sản phẩm làm ra đủ tiêu chuẩn áp dụng theo ISO đăng ký và đã có nhiều mặt hàng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến như màn tuyn (Công ty CP Dệt 10-10), áo thể thao (Công ty CP may BTM), găng tay thể thao (Công ty Dệt Hà Đông), khăn bông (Công ty Dệt Minh Khai), bít tất (Dệt kim Hà Nội), áo len (Công ty Dệt Mùa Đông)... Qua đó, đội ngũ cán bộ CNVC-LĐ toàn ngành ra sức thi đua nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm với tinh thần tất cả cho sản xuất phát triển. Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh của ngành luôn tăng từ 15-20%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20-22%; doanh thu tăng đến 150%. Đặc biệt, từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất. Điển hình như chị Nguyễn Thị Kim Ngoan, công nhân may bậc 1/6 Công ty 10-10, nhờ miệt mài nghiên cứu, ứng dụng quy trình công nghệ khoa học, hợp lý hóa thao tác, sản lượng luôn vượt mức từ 160-180% và sản phẩm loại A đạt 99%.
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, song hiện nay chất lượng và hiệu quả của các phong trào thi đua trong ngành vẫn còn hạn chế bởi số đơn vị ngoài quốc doanh chiếm tới 57% (43/76 đơn vị), trong khi các đơn vị này đều không có tổ chức đảng, tổ chức CĐ tuy đã được thành lập nhưng hoạt động rất hạn chế. Nhất là nội dung phong trào thi đua ở CĐ ngoài quốc doanh còn nặng tính hình thức, việc biểu dương, khen thưởng chưa kịp thời, không đi sâu tổng kết rút kinh nghiệm và nhân điển hình tiên tiến…
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới CĐ ngành dệt may HN sẽ tổ chức phong trào thi đua sâu rộng trong toàn ngành. Trong đó, CĐ một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, động viên CNLĐ khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, lấy tiêu chí xây dựng đơn vị vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập làm đòn bẩy thúc đẩy phong trào. Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, công nhân giỏi, làm tốt công tác khen thưởng để khích lệ tinh thần người lao động.