Hòa nhịp trái tim vào sự chuyển mình của đất nước
Văn hóa - Ngày đăng : 08:28, 16/07/2010
Một cảnh trong phim “Bí thư Tỉnh ủy”. |
Thiếu vắng nhiều mảng hiện thực
Xin bắt đầu bằng nỗi băn khoăn lâu nay của một nghệ sĩ tên tuổi ở một ngành nghệ thuật đầy sức lay động - Đạo diễn điện ảnh, NSND Bùi Đình Hạc - rằng đất nước như một đại công trường, với rất nhiều con người, sự kiện có thể trở thành nguồn cảm hứng lớn cho điện ảnh. Nhưng tiếc thay, điện ảnh chưa khai thác được bao nhiêu tiềm năng hiện thực lớn lao đó.
Đáng suy nghĩ lắm thay, nhìn rộng ra, vấn đề mà cuộc hội thảo khoa học toàn quốc trên đề cập là một câu chuyện hết sức cụ thể, ít nhất là ở khía cạnh hiện thực hôm nay đã đi vào tác phẩm VHNT thế nào? Vì sao một thời kỳ đầy tính bước ngoặt, "chưa bao giờ diễn ra trong tiến trình lịch sử nghìn năm của mình" (GS-TS Đinh Xuân Dũng) lại chưa trở thành mảnh đất hiện thực làm bội thu những mùa VHNT?
Hội đồng LLPB VHNT TƯ nhận định: "Trong khi hiện thực đang vận động mãnh liệt, chứa đựng nhiều bất ngờ thì dường như VHNT những năm gần đây tỏ ra chậm chạp, lúng túng trong cách tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống". Chia sẻ và làm rõ hơn điều này, PGS-TS Phan Trọng Thưởng cho rằng những nảy sinh trong quá trình đổi mới và hội nhập, vấn đề tâm lý, đạo đức của con người trong cơ chế thị trường, những biến cố, thiên tai… rất cần phản ánh, lý giải. Đáng tiếc là những năm qua, VHNT dường như không tiếp tục được mạch cảm hứng công dân, cảm hứng chính luận và vai trò tích cực của mình trong thời kỳ đổi mới.
Có nhiều lý do để cuộc nhận diện đời sống đất nước hôm nay và chất lượng phản ánh hiện thực đó của VHNT còn bị đuối. Song, rõ nhất là ở khả năng nhìn động về hiện thực và vai trò dấn thân, nhập cuộc của văn nghệ sĩ.
Hiện thực - cái nhìn động
GS Hà Minh Đức: Vấn đề quan trọng không nằm ở quy mô đối tượng miêu tả mà ở khả năng phát hiện vấn đề. Và trung tâm của hiện thực vẫn là con người. GS Phong Lê: Phải một thế hệ trẻ, hoặc rất trẻ vừa là sản phẩm của hoàn cảnh, lại vừa là chủ thể của hoàn cảnh, với bản lĩnh cá nhân và sức mạnh của đội ngũ, mới mong đưa đời sống văn học vào một bước ngoặt, mang tính cách mạng, như đã từng diễn ra ở nửa đầu thế kỷ XX. Nhà thơ Hữu Thỉnh: Nếu như cuộc dấn thân nhập cuộc lần thứ nhất của văn nghệ sĩ nhằm xác nhận tư cách độc lập của dân tộc, thì đây chính là thời điểm văn nghệ sĩ bước vào cuộc dấn thân, nhập cuộc lần thứ hai nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh. Hà Dương - ghi |
GS-TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh VHNT phản ánh hiện thực nhưng không phải là sự tả chân cơ học mà là cuộc khám phá, nhận thức và sáng tạo bằng cảm xúc, lý tưởng thẩm mỹ.
Ngay từ khâu nhận diện, VHNT đã đòi hỏi văn nghệ sĩ đi tới bản chất của những hiện tượng, sự kiện, nhân vật… vốn tồn tại rất đa dạng và phức tạp. Theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh "Quan trọng là phải bóc được hiện thực bề nổi để lý giải vấn đề từ bản chất". Một cách nói khác, như nhận định của PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp thì sở dĩ ta chưa có tác phẩm tầm cỡ là bởi thiếu khả năng tái hiện thật sâu sắc trạng thái tinh thần của thời đại. Chỉ một khi biểu đạt được trạng thái tinh thần sâu thẳm ấy, nghệ sĩ mới có cơ chạm tới tầng sâu của cái gọi là hiện thực. Điều ấy thực khó khăn, bởi đúng như GS Phong Lê bày tỏ "Chưa lúc nào bằng lúc này, chúng ta ao ước có nhiều bảng màu để có thể bao quát toàn cảnh cho cái thời mà tiêu chí đánh giá cũ không còn thích hợp, hoặc không còn đủ cho sự phân biệt tốt xấu, hay dở, đúng sai…".
Cũng cần chia sẻ thêm với những người làm nghệ thuật qua ý kiến của GS-TS Trần Đình Sử "Để phản ánh hiện thực sâu sắc rộng lớn không phải chỉ độc tôn một chủ nghĩa hiện thực như trước đây mà còn có nhiều phương pháp - ngôn ngữ nghệ thuật khác". Một lối hiểu và phản ánh hiện thực thô sơ đã từng làm chậm bước đi của VHNT như Nhà phê bình Nguyễn Hòa phân tích: "Thói quen tiếp nhận, cảm thụ bằng tiêu chí tả thực của công chúng tạo trở lực cho sáng tác, hạn chế sự phát triển đa dạng, phong phú của thị hiếu nghệ thuật". Có thể thấy rõ trong mỹ thuật, các họa sĩ sáng tác theo trường phái lập thể, ấn tượng đâu đã dễ tìm thấy sự đồng vọng từ công chúng. Hay hiện tượng bộ phim "Chơi vơi" cho dù chưa phải là một mẫu hình của sáng tạo điện ảnh hiện đại nhưng liệu có phải là một phép thử đối với sáng tác và thưởng thức điện ảnh hiện nay?
Văn nghệ sĩ là dấn thân
Thời đại nào, hiện thực nào cũng vậy, văn nghệ sĩ muốn dâng cho đời tác phẩm đủ sức lay động nhiều thế hệ thì đều phải dấn thân. Bản lĩnh, vốn sống, trải nghiệm và tài năng đã trở thành một định đề không bao giờ cũ đối với người làm nghệ thuật.
Thực tế cho thấy có khá nhiều nhân vật của đời sống mới với những mâu thuẫn phản ánh thời cuộc chưa được hiện diện sâu sắc trong hai lĩnh vực lớn điện ảnh và văn học như doanh nhân, nông dân làm kinh tế giỏi, chiến sĩ công an… Văn nghệ sĩ rất cần những cuộc đắm mình vào đời sống để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới theo cách riêng của mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh nêu ví dụ, sau khi nước bạn Trung Quốc thực hiện kế hoạch đưa văn nghệ đi thực tế ngắn (3-6 tháng), dài (3-5 năm), nhiều tác phẩm có tiếng vang đã ra đời. Thậm chí văn nghệ sĩ còn được bổ nhiệm một chức vụ chính quyền cấp xã, huyện để trải nghiệm máu thịt với đời sống. Bộ phim "Bí thư Tỉnh ủy" ấn tượng gần đây là kết quả của một chuyến thực tế dài hơi như vậy.
Chúng ta đang hoàn thiện và triển khai 9 đề án về VHNT, trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ. Nhưng chế độ, chính sách nào cũng sẽ chậm hơn nhịp đập trái tim người nghệ sĩ trước hiện thực đời sống, đất nước!