Hiệu quả nhờ triển khai sâu rộng, thiết thực
Chính trị - Ngày đăng : 08:36, 15/07/2010
Phong trào “Lao động giỏi” được cán bộ, công nhân viên các sở, ngành thực hiện sôi nổi hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Duy Anh |
Phát huy truyền thống
Nhiều năm qua, Hà Nội đã thực hiện đúng theo tinh thần Thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gợi ý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Hà Nội cần phát động phong trào thi đua "Người tốt việc tốt" xứng đáng là Thủ đô - trái tim của cả nước". TP liên tục tổ chức trọng thể việc biểu dương "Người tốt việc tốt" trong Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 và xuất bản các tập sách "Những bông hoa đẹp" hằng năm. Mỗi năm có khoảng 1.000 đại biểu "Người tốt việc tốt", "Tập thể tốt", "Gia đình tốt" được lựa chọn từ hàng vạn "Người tốt việc tốt" ở các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là ngày truyền thống Thi đua yêu nước, giúp Hà Nội tạo được một khí thế thi đua đặc biệt sôi nổi, phát huy sức mạnh mọi nguồn lực để tập trung triển khai chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khí thế thi đua còn được thực hiện sôi nổi tại các cấp, các ngành với các phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; "Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp"; "Người Thủ đô không đổ rác ra đường"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Lao động giỏi", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô"; "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Tôi yêu Hà Nội", "Người nông dân sản xuất giỏi"…
Khi Thủ đô mở rộng địa giới, phong trào thi đua càng trở nên phong phú, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình mới. Trong đó, nhiều đơn vị có thành tích nổi trội như các quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, các huyện Từ Liêm, Thạch Thất, Phú Xuyên; các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Y tế, Xây dựng...
Gắn với những chỉ tiêu cụ thể
Tại Hà Nội, các phong trào thi đua tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm nên hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được triển khai tốt, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động văn hóa - xã hội, y tế, thể dục thể thao, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm được TP tập trung chỉ đạo sát sao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tập trung chỉ đạo, gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, bước đầu tạo được chuyển biến, tiến bộ.
Các thủ tục hành chính được rà soát, hoàn thiện theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai và minh bạch hơn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết tốt hơn các yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác đơn giản hóa TTHC đều được TP tặng bằng khen. TP cũng đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư XDCB các công trình trọng điểm, các dự án phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ 34/34 công trình chào mừng Đại lễ. Không những thế, Hà Nội còn triển khai nhiều chương trình phối hợp hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1000 năm với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước nên đã tạo được sức lan tỏa lớn. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã đăng ký xây dựng công trình chào mừng Đại lễ.
Tránh bệnh hình thức
Có thể nói, TP Hà Nội là một trong những địa phương tích cực hướng đến giá trị đích thực của thi đua. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của TP luôn chú trọng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế, quy định về công tác thi đua khen thưởng. Những năm gần đây, UBND TP đã ban hành nhiều danh hiệu thi đua và quy chế xét tặng các danh hiệu như "Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô", "Giải thưởng Thăng Long", "Phong tặng nghệ nhân Hà Nội", "Tuyên dương, khen thưởng thủ khoa", "Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội", "Thi viết về gương người tốt việc tốt", Quy chế xét chọn "Người tốt việc tốt", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", "Đơn vị văn hóa", "Quy định khen thưởng thành tích đột xuất", "Cá nhân đạt giải quốc tế, khu vực và quốc gia"… Đặc biệt, gần đây UBND TP đã khen thưởng đột xuất cho hàng trăm tập thể, cá nhân đang cống hiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một nỗ lực trong xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến của UBND TP là việc mới ban hành quy chế xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú". Theo đó, các cá nhân được công nhận danh hiệu này phải có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu dẫn đầu trên từng lĩnh vực: lao động sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước, công tác đảng, đoàn thể, công tác xã hội từ thiện… nêu tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Đồng thời, cá nhân đó phải tận tụy, trung thực, tiêu biểu cho tinh thần cần - kiệm - liêm - chính, chí công - vô tư; gương mẫu trong xây dựng văn hóa tại đơn vị, gia đình và nơi cư trú. Ðây là danh hiệu cao quý nhất mà TP phong tặng cho công dân Thủ đô, được xét và trao tặng vào dịp 10-10 hằng năm. Với số lượng chỉ có 10 công dân Thủ đô ưu tú mỗi năm đòi hỏi việc xét duyệt phải thực sự chắt lọc và đó sẽ là 10 bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa "Người tốt, việc tốt" của TP.