Dịch bệnh và những gánh hàng rong
Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 14/07/2010
Nhưng tình trạng rất ít gánh hàng rong được cấp phép phổ biến ở các địa phương đã khiến 11 tỉnh, thành phố đang tái xuất hiện bệnh nhân mắc tả, bởi nguyên nhân gây bệnh đa phần liên quan đến thức ăn đường phố không bảo đảm.
Hầu hết thức ăn từ những người bán hàng rong đều không bảo đảm VSATTP. ảnh: Phương Thanh |
Quy định cụ thể
Quyết định số 11 quy định, 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao là thịt, trứng và các sản phẩm từ thịt, trứng; kem, nước đá, nước khoáng thiên nhiên; thủy sản tươi sống và đã qua chế biến; thức ăn, đồ uống ăn ngay; thực phẩm đông lạnh; thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm; sữa đậu nành; các loại rau, củ, quả tươi sống sẽ phải xin phép và chỉ được kinh doanh nếu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Còn Điều 21 của "Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống" (Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT) nêu rõ, điều kiện ATVSTP đối với dịch vụ thực phẩm bán rong có nguy cơ cao (thực phẩm bày bán trên phương tiện như xe đạp, xe thồ, quang gánh...) phải được đậy kín, tránh mưa, gió, bụi ruồi, muỗi. Dụng cụ chứa, bao gói thức ăn và dụng cụ ăn uống (đũa, bát, thìa, cốc...) phải được rửa sạch sẽ qua 3 lần nước. Nguyên liệu để chế biến thức ăn phải được chọn lọc, có nguồn gốc an toàn, không mốc và không ô nhiễm. Người bán hàng rong phải được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần; có giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về ATVSTP và thực hành tốt vệ sinh cá nhân; không được dùng tay trực tiếp bốc, nắm thức ăn khi bán; phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP do UBND quận, huyện, thị xã, hay phường, xã nơi quản lý hộ khẩu cấp.
Nhưng thiếu khả thi
Khảo sát trên một số tuyến phố và cổng chợ của Hà Nội hiện nay cho thấy, hầu hết người bán thực phẩm rong khi được hỏi đều trả lời không biết quy định phải xin phép mới được bán hàng. Họ không bị một lực lượng nào kiểm tra hoặc hỏi về giấy phép kinh doanh. Thực tế này cũng là dễ hiểu bởi quy định tuy cụ thể và chặt chẽ nhưng tính khả thi lại không cao.
Với những người lao động, gánh quà đi rong là nguồn sống hằng ngày thì chỉ khi không thể lê bước họ mới nghỉ bán. Gánh nặng mưu sinh khiến những người phụ nữ ấy nếu có bị bệnh mà chưa nặng thì chắc họ cũng không tới bệnh viện. Thế thì, yêu cầu phải có giấy khám sức khỏe mới được bán hàng là điều xa lạ với họ. Như báo cáo của Cục ATVSTP cho thấy, ngay với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh ở những cơ sở có đăng ký hoạt động cũng chưa tới 50% số này được tập huấn kiến thức cơ bản về ATVSTP, khám sức khỏe định kỳ thì nói gì đến những người bán hàng rong.
Một đặc điểm của loại hình kinh doanh này là không bán hàng ở một địa điểm cố định. Vì nay ngồi chỗ này, mai ngồi chỗ kia nên nếu có bán sản phẩm không bảo đảm thì cũng không sợ bị ai kêu, ai phạt, người bán chưa có ý thức về ATVSTP. Họ vẫn bán thực phẩm đã chế biến trên những cái mẹt đặt sát mặt đất, ngay gần cống nước bẩn, vẫn không cần che đậy mặc cho thức ăn bị ruồi bâu, bụi bẩn. Người tiêu dùng vẫn lựa chọn gánh hàng rong bởi sự tiện lợi và nhất là giá cả rất bình dân của nó. Người bán và người mua thường là người lao động, ít có ý thức về ATVSTP nên bán hàng không sạch và khách ăn bị nhiễm bệnh về tiêu hóa là điều khó tránh khỏi và sẽ còn tiếp diễn. Kết quả kiểm tra của các đoàn thanh tra liên ngành của Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho thấy, 54% điểm bán hàng gần cống rãnh mất vệ sinh; 97% thực phẩm trong quá trình chế biến bị nhiễm bụi, ruồi; nước đá sử dụng cho các dịch vụ thức ăn đường phố có tỷ lệ nhiễm E.Coli (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy) là 35,6% ở các cơ sở nội thành và 64,7% tại các cơ sở ngoại thành, thị trấn.
Quản lý thức ăn đường phố để bảo đảm ATVSTP luôn là bài toán khó. Những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước sẽ là như muối bỏ bể nếu người bán và người mua chưa biết sợ trước hậu quả của việc sản xuất và tiêu dùng những thực phẩm không bảo đảm vệ sinh. Những quy định mang tính pháp quy sẽ không đem lại hiệu quả trên thực tế nếu thiếu sự kiểm soát gắt gao. Trước tình hình 18/29 quận, huyện đã xuất hiện dịch tiêu chảy cấp, có lẽ phải làm "sạch" gánh hàng rong bằng kiểm tra độ an toàn thực phẩm trên thực tế, không căn cứ vào việc có giấy phép hay chưa.
Một gánh hàng rong, hai quy định quản lý nhưng tình trạng mất vệ sinh và dịch tiêu chảy vẫn xảy ra. Gánh nặng này vẫn đang đè lên vai các cơ quan chức năng thành phố. Muốn cho những người mưu sinh bằng gánh hàng rong ý thức nghiêm túc hơn về trách nhiệm của mình trước sự an toàn của người tiêu dùng nghĩ không gì hiệu quả bằng sự kiểm soát gắt gao của cơ quan quản lý.