Nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:06, 14/07/2010
Điều trị bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2. |
Trong những ngày qua, trung bình mỗi ngày TP có từ 60 đến 70 trường hợp SXH phải nhập viện. Như vậy, từ đầu năm đến nay, số lượng người bị SXH lên đến khoảng 2.000 ca, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Điều này theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, là do TP có sự chủ động trong việc phòng, chống dịch, hơn nữa mùa mưa năm nay ở TP đến chậm hơn mọi năm. Trong khi đó, năm nay không nằm vào chu kỳ của SXH. Bởi thông thường mỗi chu kỳ SXH kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 7 đến nay số trẻ bị SXH phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 giảm hơn so với nhiều năm. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện SXH đã "vào mùa", số trẻ nhập viện vì SXH có tăng lên nhưng không đáng kể. Nếu như ở thời điểm này năm ngoái thì bệnh viện tiếp nhận hàng trăm trường hợp, nhưng nay chỉ có khoảng 60 ca. Thế nhưng điều đáng nói, SXH đang có chiều hướng chuyển dịch sang người lớn. Nếu như các năm trước, số trẻ bị SXH chiếm khoảng 70% đến 80% thì năm nay tỷ lệ này đã thuộc về người lớn. Theo số liệu tại Bệnh viện Nhiệt đới TP, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có đến 535 ca sốt xuất huyết người lớn, trong đó hơn 50 ca độ 3 và độ 4, chiếm 62% tổng số bệnh nhân SXH nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới cho rằng, sự gia tăng tỷ lệ bệnh nhân SXH lớn tuổi có thể do nhiều yếu tố như môi trường, mật độ dân cư ngày càng đông, tập trung ở các thành phố lớn; các chủng virus gây bệnh có sự biến đổi độc tính… Cũng theo ông Chính, SXH ở người lớn thường nặng hơn so với trẻ em, do thời gian sốt kéo dài 7 ngày hoặc hơn, thường kèm theo dấu hiệu chảy máu (xuất huyết da, chảy máu mũi, tiêu tiểu ra máu, nôn ra máu…). Thống kê cho thấy, tỷ lệ xuất huyết nặng ở người lớn là 50% (so với trẻ em 6,2%); thường gặp nhất là xuất huyết âm đạo 52,8% (trẻ em 0%); chân răng 48,3% (trẻ em 10,4%).
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, ngoài loại virus Dengue gây SXH thường gặp lâu nay, thì hiện nay còn có sự quay trở lại của chủng loại virus Chikungunya. Virus này chính là tác nhân gây ra ca SXH đầu tiên trong năm của TP, đó là trường hợp một phụ nữ ở quận 8. Đây là loại virus đã từng xuất hiện ở Việt Nam hơn 40 năm về trước, trong thời gian gần đây đã xâm nhập vào quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á là Inđônêxia và gây ra dịch SXH cho nước này. Về mặt lý thuyết thì virus Chikungunya không quá nguy hiểm so với virus Dengue, nhưng lại có nhiều triệu chứng như sẩn đỏ, ho, đau đầu, viêm kết mạc, đau cơ, khớp… khá nặng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là việc vắng mặt một thời gian khá lâu nên số người miễn nhiễm với loại virus này rất thấp, nên khi bị chúng tấn công thì mức độ lây nhiễm sẽ rất cao. Sở Y tế TP khuyến cáo, đang vào thời điểm mùa mưa, nên SXH có nguy cơ bùng phát mạnh, người dân cần chú ý phòng bệnh, ngủ màn kể cả ban ngày vì muỗi gây bệnh SXH thường hoạt động vào khoảng 5-6 giờ chiều và vào lúc sáng sớm.
Ngoài ra, người dân cần vệ sinh môi trường, thường xuyên súc rửa những chum, vại chứa nước để tránh phát sinh muỗi, bọ gậy; đồng thời tìm cách diệt muỗi, diệt bọ gậy để ngăn bệnh bùng phát. Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng một số người có cơ địa yếu (chiếm khoảng 5 đến 10%) sẽ biến chứng gây sốc nặng, làm giảm thể tích huyết tương. Những trường hợp này, nếu không chữa trị kịp thời nguy cơ gây tử vong rất cao. Vì vậy khi có những triệu chứng như nôn, đau bụng, tiêu chảy, nổi ban… phải lập tức theo dõi (thời gian từ 2 đến 7 ngày), nếu thấy diễn biến nặng thì phải đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, trước mắt ngành y tế TP sẽ thành lập 3 đơn vị chống dịch, xử lý muỗi, bọ gậy; phối hợp với chính quyền địa phương để tham gia diệt muỗi, bọ gậy tại chỗ.