Bài 3: Quản lý không phải là kìm hãm

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 14/07/2010

(HNM) - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhận định:

Nếu có chế tài quản lý tốt thì game online thực sự là ngành giải trí mang lại nhiều lợi nhuận. Ảnh: Huyền Linh


Trông người để ngẫm ta
Trung Quốc là cường quốc số 1 thế giới về GO và trung bình khoảng 10 ngày nước này lại xuất hiện một trò chơi mới. Năm 2009, doanh thu từ GO của nước này là 3,9 tỷ USD, kéo theo đó là dịch vụ hỗ trợ có doanh thu khoảng 9 tỷ USD. Năm 2009, Hàn Quốc cũng có doanh thu từ GO là 4 tỷ USD. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là hai quốc gia có cộng đồng game thủ rất lớn nhưng họ cũng khá thành công trong việc quản lý GO.

Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Công ty VinaGame cho biết, Hàn Quốc yêu cầu tất cả những người chơi game phải đăng ký số chứng minh nhân dân (CMND) thật với nhà cung cấp dịch vụ. Số CMND này có thể kiểm chứng được thông qua một cơ sở dữ liệu chung của cả nước, cho phép nhận biết được người sử dụng là ai và tùy theo đối tượng mà có sự hạn chế khác nhau... Sắp tới, Hàn Quốc sẽ áp dụng quy định game thủ sẽ có ba lựa chọn không được chơi vào khung giờ từ 0 đến 6 giờ, từ 1 đến 7 giờ hoặc từ 2 đến 8 giờ sáng. Chính phủ cũng sẽ cài đặt phần mềm tự động ngắt cuộc chơi khi đến giờ "giới nghiêm". Để kiểm soát chặt hơn việc chơi GO của học sinh tiểu học, Hàn Quốc đang xem xét yêu cầu các em nhỏ phải sử dụng số CMND của cha mẹ khi chơi game.

Trong khi đó, Trung Quốc đang áp dụng song song nhiều giải pháp, trong đó các DN phải cài đặt hệ thống hạn chế giờ chơi đối với các trò chơi do đơn vị mình cung cấp. Trẻ em vị thành niên chỉ được chơi GO tối đa 5 giờ/ngày và sẽ trừ điểm hoặc khóa tài khoản nếu vượt quá quy định này. Để bảo đảm game thủ "nhí" không đăng ký lậu bằng tài khoản của người lớn, Trung Quốc quy định tất cả các tài khoản chơi GO phải đăng ký bằng tên thật và số CMND của mình. Theo điều tra của Trung tâm Dịch vụ xã hội thanh thiếu niên Trung Quốc, có khoảng 60% bạn trẻ thỏa mãn với hệ thống kiểm soát chơi GO nêu trên.

Sắp có quy chế mới về quản lý GO
Bộ Thông tin - Truyền thông hiện đã hoàn thành dự thảo lần thứ 7 Quy chế quản lý GO và sắp tới sẽ hoàn thiện để Thủ tướng ban hành trong thời gian sớm, dự kiến là trong năm 2010. Dự thảo này hướng đến tăng cường chất lượng việc thẩm định nội dung GO trước khi cấp phép; tăng cường công tác thanh kiểm tra sau khi game phát hành và tăng trách nhiệm, quyền lợi của các DN cung cấp dịch vụ GO. Tuy nhiên, tại hội thảo quốc gia lấy ý kiến các ngành, DN kinh doanh GO tổ chức mới đây, có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh một số điểm trong dự thảo này.

Đại diện của VinaGame và VTC Intecom - hai nhà cung cấp dịch vụ GO lớn nhất Việt Nam hiện nay cho rằng, bất hợp lý đầu tiên trong dự thảo là quản lý giờ chơi áp đặt cho mọi lứa tuổi, mọi trò chơi. Theo đó, sẽ quản lý giờ chơi không chỉ với trẻ em (chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cộng đồng GO) mà cả những người đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; quản lý chung với tất cả các trò chơi không phân biệt game lành mạnh và game bạo lực. Trên thực tế, người trên 18 tuổi hoàn toàn có quyền lựa chọn môn thể thao giải trí cho riêng mình và chơi vào bất cứ thời điểm nào họ muốn miễn là không phạm pháp. Mặt khác, quản lý giờ chơi GO thông qua việc tắt hoàn toàn máy chủ sau 23 giờ đi ngược với bản chất "không biên giới" của internet. Nghĩa là sẽ chỉ kiểm soát được các game cung cấp từ Việt Nam và không kiểm soát được game có máy chủ đặt ở nước ngoài, vô tình đẩy người chơi quay lưng với game nội để sang game do nước ngoài cung cấp. Việc này sẽ khiến cơ quan quản lý khó có khả năng kiểm soát các nội dung game trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam. Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng game Việt Nam ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi quy định giờ của Việt Nam. Vô hình trung, quy định lại làm hậu thuẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài đang lách luật kinh doanh trái phép GO tại Việt Nam.

Điểm nút: Đại lý internet công cộng
Phải khẳng định rằng, những tệ nạn phát sinh từ GO ở nước ta hầu hết đều có
điểm xuất phát là từ các đại lý internet công cộng vốn được quản lý hết sức lỏng lẻo hiện nay. Với khoảng 30.000 đại lý xâm nhập vào hầu khắp các địa bàn trên cả nước, việc kiểm soát người chơi GO bằng mệnh lệnh hành chính thông qua việc cấm mở cửa đại lý sau 22 hoặc 23 giờ là không khả thi và thực tiễn đã minh chứng cho điều này. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải quản lý GO thông qua các giải pháp kỹ thuật.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, giám đốc một công ty (xin giấu tên) chuyên cung cấp nội dung số, trong đó có GO khẳng định, nước ta nên áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc mới có thể ngăn chặn được từ những người nghiện "ma túy GO". Người đến các đại lý internet công cộng sau 22 giờ thường là dân nghiền GO, chính vì thế, giải pháp tối ưu là yêu cầu các DN dịch vụ internet đúng 22 giờ ngắt toàn bộ đường truyền của đại lý internet sau đó mở lại từ 6 giờ sáng. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các nhà cung cấp dịch vụ internet.

Một số chuyên gia khác cũng nêu ý kiến nên đưa việc kinh doanh đại lý internet công cộng là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Ngoài các yếu tố kỹ thuật, yêu cầu đại lý phải bảo đảm điều kiện ánh sáng, diện tích phòng - điều mà các đại lý internet hầu hết xem nhẹ - mới được cấp phép. Ngoài ra, mỗi số CMND chỉ được cấp phép một tài khoản ở cùng một trò chơi để ngăn chặn hành vi gian lận từ những người quá sa đà vào GO.

... Bản chất của GO không có lỗi mà lỗi chính là có nhiều người đã lợi dụng nó hoặc thiếu hiểu biết để cuộc đời thực chịu tác động của "xã hội ảo" trong game. Để GO, ngành công nghiệp "quả trứng vàng" sớm đi tìm được giá trị thật - một công cụ giải trí thuần túy, ở góc độ nào đó có tính giáo dục - rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó nhân tố gia đình cần đặt lên hàng đầu.

Thế Dũng