Mưa vàng ngoại ô, nội đô ngập lụt

Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 14/07/2010

(HNM) - Nhiều tuyến phố ngập nặng

Tính đến 10 giờ 30, theo số liệu của Đài dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực đồng bằng Bắc bộ, lượng mưa đo được tại: Láng 120mm, khu vực nội thành 159,9mm, Long Biên: 102mm. Lượng mưa đo được tại các trạm của Công ty TNHH NN MTV Thoát nước là: Đồng Bông 113mm, Hồ Tây 154mm, Thanh Liệt 127mm, Vân Hồ 163mm, Bắc Thăng Long - Vân Trì 141mm... Tình trạng úng ngập với độ sâu khoảng nửa mét đã xảy ra tại 23 điểm như: Ngã 5 Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ga Hà Nội, ngã 5 Bà Triệu, Hai Bà Trưng - Hàng Bài, Trường Chinh, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Bê tông Thịnh Liệt, Thái Hà, Thái Thịnh… Tại những điểm úng ngập sâu, nhiều ô tô, xe máy chết máy; nhiều nhà dân bên đường ở các ngõ thấp đều bị ngập nặng.

Cơn mưa kéo dài gần 3 giờ đã khiến nhiều tuyến phố ngập sâu. Ảnh: Linh tâm - Nguyệt Ánh


Khi đang mưa, Công ty Thoát nước đã huy động 100% CBCNV có mặt tại các điểm úng ngập vận hành các cửa phai, đập điều tiết, khơi thông dòng chảy, cảnh báo an toàn trên hệ thống (đóng cọc căng dây trên các tuyến mương sông hở). Toàn bộ dàn thiết bị cơ giới được huy động để thông tắc, hút nước... Tuy nhiên, một lần nữa người dân Hà Nội lại được chứng kiến những bóng áo vàng đứng bất lực nhìn nước dâng lên ở các điểm, bất chấp nỗ lực của họ. Cho đến cuối giờ chiều 13-7, một số tuyến phố trũng như Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh vẫn bị ngập.

Giao thông hỗn loạn, ách tắc
Trên những tuyến đường hướng tâm, nhiều đoạn bị ngập cùng với tuyến phố ngang bị ngập sâu khiến giao thông ùn tắc nặng nề, các loại phương tiện hỗn loạn tìm lối thoát. Mưa lớn đúng giờ đến công sở, phương tiện tham gia giao thông lớn khiến những tuyến phố thường ngày hay ùn tắc như: Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, nút Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, ngã tư Láng Hạ - Thái Hà, La Thành, nút Kim Liên - Phạm Ngọc Thạch, Khâm Thiên - Lê Duẩn... bị tắc cứng.  

Phố Quang Trung (Hoàn Kiếm) ngập sâu trong nước.

Trong lúc mưa to, tại các điểm ngập, lực lượng của Công ty Thoát nước phối hợp với CSGT, Thanh tra GTVT chỉ dẫn người tham gia giao thông tuân thủ trật tự và phân luồng để giải phóng phương tiện. Thế nhưng, do lưu lượng xe quá lớn cùng với việc người tham gia giao thông tìm mọi cách để đến cơ quan đã khiến cho giao thông hỗn loạn, ngoài khả năng kiểm soát. Trên những tuyến đường bị ngập, xe máy leo lên vỉa hè, rồi lại phi ào ào xuống lòng đường ngập nước tìm đường thoát. Tại những nút giao thông không bị ngập, do các phương tiện tìm đường thoát từ những phố bị ngập kéo về nên ô tô, xe máy các loại ken đặc, nhích từng chút một.

Đường phố ngập thành sông nhỏ, giao thông hỗn loạn đã khiến nhiều người đều đến cơ quan muộn với quần áo, giày dép ướt sũng. Những người từ ngoại thành vào và ngược lại không thể đến cơ quan đúng giờ. Hầm xe cơ giới nút giao thông Kim Liên ngập nặng phải đóng cửa không cho các phương tiện lưu thông.

Đến trưa 13-7, hơn một chục điểm đã cơ bản rút hết nước, giao thông đi lại tương đối bình thường là: Trần Đăng Ninh, Phan Huy Ích - Nguyễn Trường Tộ, ngã 5 Bà Triệu, Trường Chinh, Hồ Xuân Hương, trước cửa số nhà 192 Quán Thánh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Bạch Mai... Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm như Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Lê Trọng Tấn, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Vận tải hàng hóa, Bê tông Thịnh Liệt, Thái Hà, Thái Thịnh nước vẫn còn ngập.

Cần ngay những phương án khả thi
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, theo kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2010, toàn hệ thống mương, sông, hồ đều được chủ động giữ ở mức thấp giúp nước thoát nhanh. Cửa phai ở các hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu… đã được mở để điều hòa nước. Công ty đã chỉ đạo vận hành 11/11 tổ máy tại Trạm bơm Yên Sở để hạ mực nước trên hệ thống. Ông Nguyễn Lê, Giám đốc công ty cho rằng, do mưa quá lớn cộng với nhiều công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật thoát nước như cống hóa mương Hào Nam, xây dựng cầu vượt cầu Thanh Trì trên kênh bao Yên Sở… nên thời gian úng ngập mới kéo dài hơn.  

Công nhân xử lý thoát nước trên phố Tôn Thất Tùng. Ảnh: Khánh Nguyên

Mưa lớn còn ảnh hưởng đến vật tư, thiết bị và tiến độ thi công của các công trình phục vụ Đại lễ. Tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi đang tập kết nhiều cát, sỏi để thi công các công trình hạ tầng và đào hào sâu trong phần đường dành cho xe buýt cũng bị ngập nặng. Đoạn từ Lê Duẩn qua ga Hà Nội đến nút Kim Liên trong tình trạng tương tự. Vật liệu cát, sỏi bừa bãi cạnh các hố thu trên tuyến phố Huế - Hàng Bài. Chính cát, sỏi, thiết bị... tập kết trên đường đã làm cản trở dòng chảy, gây tắc nhiều cống, ga thu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của toàn hệ thống.

"Giải cơn khát" cho hàng nghìn hécta lúa
Trận mưa xối xả sáng 13-7 đã trở thành cơn mưa vàng, cứu hàng nghìn hécta lúa và hoa màu đang bị khô héo tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, ở khu vực ngoại ô mưa không rải đều, nơi thiếu nước tưới thì lượng mưa rất nhỏ, nên vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ nếu những ngày tới không có mưa; ngược lại một số khu vực đủ nước thì lượng mưa đạt đến 100mm. 

Nông dân xã Bích Hòa (Thanh Oai) tranh thủ làm đất sau trận mưa.

Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, lượng mưa trung bình ngày 13-7 đo được ở khu vực ngoại thành vào khoảng 80mm, tập trung ở các huyện phía bắc TP Hà Nội. Một số điểm có lượng mưa lớn như Vân Đình (Ứng Hòa), 80mm; đập Đáy (Đan Phượng), hơn 100mm; các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, lượng mưa đo được khoảng 80mm… Tại huyện Ứng Hòa, địa phương cuối nguồn nước thường xảy ra hạn nặng, với lượng mưa trung bình khoảng 70mm đã cứu được hơn 1.000ha lúa bị hạn nhẹ. Chị Nguyễn Thị Minh, một nông dân ở thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa) phấn khởi: "Trận mưa làm thời tiết dịu mát nhưng trên hết đã kịp thời cứu hàng trăm hécta lúa mới cấy đang cận kề nguy cơ chết khô". Tại các khu vực ở quận Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Đan Phượng… lượng mưa dao động từ 70 đến 100mm cũng mang đến niềm vui cho bà con nông dân sau đợt nắng nóng kỷ lục. "Những ngày qua, nhiệt độ có lúc lên đến hơn 40 độ C, cây lúa, cây rau héo quắt vì không đủ nước tưới. Trận mưa quý như "vàng" đã đem đến cho cây trồng sức sống. Hy vọng thời gian tới tiếp tục có mưa để bảo đảm năng suất cây trồng" - chị Đặng Thị Thủy, xã Song Phương, huyện Hoài Đức cho biết.

Trong khi nhiều địa phương đã được "giải cơn khát" sau trận mưa, thì ở một số nơi vẫn trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. Tại huyện Mỹ Đức, hồ Quan Sơn cũng đang trong tình trạng cạn kiệt nhưng lượng mưa tại khu vực này không đáng kể, chỉ từ 5 đến 10mm. Trước tình hình này, Công ty Thủy lợi sông Đáy phải lắp đặt máy bơm 3 cấp đẩy nước từ sông Đáy lên kênh tiêu rồi bơm tiếp lên kênh tưới để đưa nước vào cho 500ha lúa các xã Tuy Lai, Hồng Sơn, Lê Thanh, Đồng Tâm... Tương tự tại huyện Chương Mỹ, Công ty Thủy lợi sông Đáy vẫn phải tăng cường 5 máy bơm nước từ hồ Miễu, hồ Văn Sơn lấy nước vét của lòng hồ bơm tưới cho hơn 200ha lúa bị hạn tại các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến. "Nếu nắng nóng kéo dài 5 ngày nữa thì các hồ này cũng cạn kiệt, nguy cơ hạn hán là rất cao", ông Doãn Văn Kính, Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Đáy lo lắng.

Ông Đào Quang Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội nhận định, đây là trận mưa không lớn nhưng đã "giải cơn khát" cho nhiều vùng bị hạn ở khu vực ngoại thành, đặc biệt ở lưu vực tưới các hồ Đồng Mô, Miễu (Chương Mỹ) và hồ Tân Xã (Thạch Thất). 

Mưa lớn làm 19 cây xanh đổ
Tính đến trưa 13-7, trên toàn thành phố có 19 cây bị đổ. Đặc biệt, tại phố Lý Thường Kiệt, một cây đổ, đè lên một xe ô tô; tại ngã ba Nam Ngư - Lê Duẩn, một cây đổ, đè lên 2 xe ô tô. Cuối giờ chiều, Công ty Công viên Cây xanh đã giải tỏa xong các cây đổ, cành gãy.

Đức Trường - Chí Đạo