Kẻ thua, người thắng tại World Cup 2010
Xã hội - Ngày đăng : 17:15, 13/07/2010
Thành công lớn với CLB Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha trong nhiều năm qua có thể giúp Xavi sánh ngang với huyền thoại Zidane. |
Bên thắng
Bóng đá đẹp: đội tuyển Tây Ban Nha không có nhiều chiến thắng lớn như Đức hay Argentina, song họ biết cách chinh phục người xem bằng khả năng rê dắt, ban chuyền và giữ bóng. Chiến thắng của Tây Ban Nha trong trận chung kết là chiến thắng của bóng đá đẹp khi họ phải đối phó lối chơi có phần thô bạo của Hà Lan.
Nước chủ nhà Nam Phi: Bất chấp khó khăn về kinh tế, địa điểm thi đấu và an ninh, Nam Phi đã tổ chức thành công kỳ World Cup đầu tiên tại lục địa đen. Theo tờ AS, lòng nhiệt tình và say mê bóng đá của dân địa phương cũng để lại ấn tượng tốt cho du khách.
Tiền vệ Xavi: Với khả năng rê dắt, chuyền bóng và nhãn quan chiến thuật thiên tài, cầu thủ nhỏ bé của CLB Barcelona hoạt động như một cỗ máy ở tuyến giữa. Tây Ban Nha luôn chiếm thế chủ động trong cả 7 trận trên hành trình tới ngôi vô địch World Cup lần đầu tiên.
Thomas Mueller: Một năm trước, khi đội tuyển Đức chưa đá xong vòng loại, nhiều người còn chưa biết Mueller là ai. Nhưng giờ, tiền vệ 20 tuổi là Vua phá lưới kiêm cầu thủ trẻ hay nhất World Cup.
Được phát hiện tại Bayern Munich, Mueller thăng tiến chóng mặt trong mùa giải vừa qua. Dấu ấn lớn nhất của ngôi sao này là phong độ cao trong hai trận Đức thắng Anh 4-1 và Argentina 4-0, còn điều gây thất vọng là án treo giò trong trận gặp Tây Ban Nha (thua 0-1 ở bán kết).
Diego Forlan: Trong khi hai đội tuyển láng giềng ở khu vực Nam Mỹ, Brazil và Argentina, đều bị loại ở tứ kết, thì tiền đạo 32 tuổi thi đấu tỏa sáng trong màu áo Uruguay vào tới bán kết. Anh xứng đáng nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất World Cup với thành tích ghi 5 bàn thắng như Vua phá lưới và vai trò thủ lĩnh nổi bật.
Forlan từng có thời gian khó khăn ở CLB Manchester United. Sau khi chuyển sang Tây Ban Nha, chơi cho Villarreal và Atletico, anh lập tức đổi vận, có tới hai mùa giải giành danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu.
Bên thua
Các siêu sao: Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha và Wayne Rooney của Anh đều gây thất vọng khi đội tuyển của họ bị loại ở vòng 16 đội. Kaka và Messi cũng không khá hơn, mặc dù tiền đạo người Argentina được chọn vào danh sách 10 cầu thủ hay nhất giải. Trong khi đó, hai ngôi sao có tầm ảnh hưởng lớn thực sự tại World Cup 2010, theo đánh giá của các chuyên gia là Xavi (Tây Ban Nha) và Wesley Sneijder (Hà Lan).
Rooney, cầu thủ được kỳ vọng lớn trước World Cup, không có bàn nào cho tuyển Anh. |
Trọng tài: Những quyết định gây tranh cãi nổi bật nhất của "ông vua sân cỏ" tại World Cup 2010 là không công nhận bàn hợp lệ của Anh trong trận gặp Đức, công nhận bàn ghi trong tư thế việt vị của Argentina trong trận gặp Mexico và không công nhận bàn hợp lệ của Mỹ trong trận gặp Slovenia. FIFA đang xem xét khả năng sử dụng công nghệ cao sau những sai lầm trên.
HLV Dunga (Brazil): Thất bại quá sớm của World Cup khiến cựu HLV đội tuyển Brazil trở thành kẻ bị ghét bỏ ở quê hương. 16 năm sau khi đoạt Cup với tư cách cầu thủ, Dunga áp dụng chiến thuật thực dụng cho Brazil, loại Ronaldinho khỏi danh sách tham dự. Sau khi vượt qua những đối thủ không cùng đẳng cấp như Bắc Triều Tiên, Bờ Biển Ngà và Chile, Brazil gặp thử thách ở tứ kết và đã không thắng nổi Hà Lan.
Các đội bóng châu Phi: Có lợi thế thi đấu trên "đất mẹ", nhưng các đội bóng châu Phi đều ít nhiều gây thất vọng, 4 trong 5 đại diện bị loại sớm là Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Nigeria và Cameroon. Ghana là đội duy nhất vào sâu song vận may đã không mỉm cười khi Gyan sút hỏng phạt đền ở phút bù giờ hiệp phụ trong trận tứ kết với Uruguay.
Đội Pháp: Tại World Cup 2010, Pháp là đội tuyển gây thất vọng cả về kết quả lẫn tinh thần chiến đấu. Sau hai trận ra quân nhạt nhòa (hòa Uruguay và thua Mexico), nội bộ trở nên lục đục khi các cầu thủ bất hòa với HLV Raymond Domenech. Câu chuyện trở nên nghiêm trọng với việc chân sút Anelka bị trục xuất khỏi đội tuyển. Đây là lần thứ hai liên tiếp Pháp bị loại ở vòng bảng ở giải đấu lớn (lần trước là Euro 2008).