Ước mơ của những người vượt qua bóng đêm

Giáo dục - Ngày đăng : 08:37, 13/07/2010

(HNM) - Trong 2 ngày 11 và 12-7, tại Hà Nội, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Báo Thiếu niên Tiền phong đã tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu mang tên

Học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu biểu diễn trong buổi giao lưu.


Em Mỹ Linh, quê ở Đan Phượng, Hà Nội rất tự tin nói về mơ ước của mình và đặt ra mục tiêu để đạt được mơ ước đó. Em cho biết, hồi ở nhà, luôn được người thân quan tâm, chăm sóc, vì thế em luôn muốn làm được điều gì đó để đáp lại tình cảm của mọi người nhưng nghĩ phận mình khuyết tật, không nhìn thấy gì nên em rất buồn và giấu chặt mọi suy nghĩ trong lòng... Nhớ về quá khứ với đầy tâm trạng nhưng khi kể về quá trình học tập và tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ, Linh hoạt bát hẳn lên. Là cô bé có năng khiếu học ngoại ngữ, khả năng vượt trội về tiếng Anh của em được thầy, cô phát hiện và bồi dưỡng. Mong ước của em là sau này sẽ thi đỗ vào một trường THPT, học hòa nhập với các bạn. Em nói, đó sẽ là bước đệm để sau này em trở thành nhân viên văn phòng phi chính phủ. Đây là công việc tương lai em lựa chọn và em sẽ có điều kiện nâng cao trình độ tiếng Anh để làm phiên dịch cho những trường khiếm thị.

Em Nguyễn Văn Phúc, quê ở Thường Tín, Hà Nội xúc động chia sẻ cuộc sống với tôi. Em cho biết, hồi chưa được vào Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, em rất buồn khi thấy các bạn cùng lứa tuổi được đến trường. Em luôn sống trong mặc cảm, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Từ khi được đi học, em được quen biết nhiều bạn, được học văn hóa, được giao lưu với các bạn khiếm thị trong cả nước, em thấy cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa hơn rất nhiều. Những bài hát mà thầy, cô sáng tác riêng cho học sinh khiếm thị là cầu nối đưa em và các bạn cùng cảnh ngộ xích lại gần nhau hơn. Phúc hồ hởi nói về mơ ước thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia để trở thành thầy giáo dạy nhạc, sáng tác những bài hát hay nhất dành cho các em khiếm thị. "Em cố gắng học chăm chỉ những môn khó và luôn dành riêng cho mình thời gian hợp lý để thực hiện niềm đam mê về âm nhạc. Mỗi ngày, em dành hai tiếng để luyện giọng và kỳ nghỉ hè là thời gian lý tưởng để em theo đuổi niềm đam mê học nhạc của mình", Phúc tâm sự.

Khi trò chuyện cùng em Nguyễn Thị Mơ, quê ở Thường Tín, Hà Nội, ấn tượng đầu tiên của tôi là một cô bé nhỏ nhắn, mặt hơi buồn và nhút nhát. Mơ nghẹn lời khi em bảo em ước có thể nhìn thấy khuôn mặt của bố, mẹ mình dù chỉ một lần nhưng em biết điều đó mãi mãi sẽ không bao giờ thành hiện thực. Em thấy vui khi vào Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, được quen nhiều bạn, được học cách sống tự lập trong khu nội trú của trường mà không cần lúc nào cũng phải có người thân bên cạnh. Mơ bắt đầu nói chuyện sôi nổi khi kể về những môn học và những hoạt động chung mà em yêu thích như vẽ tranh, đan len, thêu khăn; những hoạt động xã hội như quyên góp tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, trồng cây xanh... Được tham gia nhiều hoạt động của trường cũng như những hoạt động xã hội, em rất vui vì thấy mình cũng có thể góp phần nhỏ bé vào những công việc có ích.

120 em tham dự chương trình gặp gỡ, giao lưu là 120 tấm gương tiêu biểu trong học tập và cuộc sống. Mỗi em có ước mơ, hoài bão riêng nhưng có điểm chung là mong muốn được sống có ích, được đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự phát triển của đất nước. Khát vọng vươn lên đã giúp các em vượt qua bóng đêm của số phận.

Nghiêm Luyến