Không chấp nhận “chạy” tiến độ

Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 13/07/2010

(HNM) - Thời khắc trọng đại Thủ đô 1000 tuổi đã cận kề, hàng loạt công trình, dự án trên địa bàn thành phố (TP) đang bước vào giai đoạn "nước rút" với mục tiêu đúng hẹn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông, tiến độ thi công rất chậm. Một số dự án hạ ngầm, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô đã xuất hiện tình trạng "chạy" theo tiến độ, làm ẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình. Trong khi đó, không ít chủ đầu tư chưa chú trọng đến khâu kiểm tra, giám sát.

Tuyến đường Nguyễn Lương Bằng ngổn ngang gạch, cát gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. (Ảnh chụp chiều 12-7-2010). Ảnh: Đàm Duy

Dự án xây dựng hạ tầng giao thông: Tiến độ quá chậm
Dự án đường 32, đoạn cầu Diễn -  Nhổn và đường Văn Cao-Hồ Tây có thể coi là điển hình của các dự án chậm tiến độ, mặc dù đây là những công trình giao thông trọng điểm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây dài gần 500m,  điểm đầu là đường Hoàng Hoa Thám và điểm cuối là đường ven hồ Tây, thuộc địa bàn phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) và phường Liễu Giai (quận Ba Đình). Đến thời điểm này, khi chỉ còn gần 90 ngày nữa đến Đại lễ, nhưng nỗi lo về tiến độ dự án vẫn còn đó. Đã có những thời điểm, công trình phải dừng lại hàng tháng ròng để chờ các đơn vị chuyên môn tiến hành thám sát, thu thập hiện vật khảo cổ. Bên cạnh đó, dự án này cũng gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Ông Dương Đức Thái, Giám đốc Ban QLDA Giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở khu tập thể Bộ Tư lệnh Công binh khi 78/81 hộ vẫn không hợp tác cho cơ quan chức năng vào điều tra, khảo sát. Khu nhà tái định cư B6B Nam Trung Yên chưa được đấu nối nguồn nước cũng ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển, bàn giao mặt bằng của những hộ đã bốc thăm, nhận nhà. Về tiến độ thi công, các mố, trụ cầu vượt tại nút giao với đường Hoàng Hoa Thám sẽ hoàn thành vào đầu tháng 8-2010. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến, dự án chỉ có thể thông xe một phần trước dịp Đại lễ.

Với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường 32 đoạn cầu Diễn-Nhổn, khâu GPMB đã được UBND huyện Từ Liêm và các xã liên quan tập trung triển khai quyết liệt. Chỉ trong thời gian ngắn, khoảng 1.000 hộ đã bàn giao mặt bằng. Các hộ còn lại đang được khẩn trương di dời. "Nút thắt" của dự án đã được "cởi". Tuy nhiên, điều khiến các cấp chính quyền và nhân dân huyện Từ Liêm bức xúc là tình trạng thi công "rùa bò" của dự án này. Bà Nguyễn Thị Thoa (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) thắc mắc: Người dân đã bàn giao mặt bằng nhưng không hiểu sao các đơn vị thi công làm rất chậm. Suốt đoạn dài từ chân cầu vượt Mai Dịch đến Nhổn, chỉ có lác đác vài tốp công nhân với rất ít máy móc làm việc. Công trường đình trệ dài ngày không chỉ gây bụi mù mịt, mất vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân mà còn làm ách tắc giao thông. Không ngày nào tuyến đường này không bị tắc. Với tiến độ như thế, công trình khó có thể hoàn thành sau 3 tháng nữa để kịp đón Đại lễ.

Một số dự án hạ gầm, chỉnh trang đô thị: Thi công cẩu thả
Thời gian qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã liên tục đi kiểm tra hiện trường các dự án hạ ngầm, chỉnh trang đô thị. Kết quả kiểm tra tại tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn - Nguyễn Trãi do Sở GTVT làm chủ đầu tư cho thấy việc thi công cẩu thả. Dọc hai bên tuyến đường là vô số vệt đào sâu đọng nước và cát. Phế thải xây dựng, ống cống bê tông, ống nhựa để bừa bãi khắp nơi. Đoạn từ ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học về đến Cát Linh (dãy nhà số chẵn) lát gạch rất ẩu. Phần cống thoát nước không bảo đảm yêu cầu, nhiều chỗ nước thải dềnh lên gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân trên tuyến cho biết, trong quá trình thi công, công nhân khi lắp đường ống cống bê tông không bới cát tồn đọng trong cống nên nước không thể thoát được.

Dự án hạ ngầm, chỉnh trang đô thị trên đường Quán Thánh do Ban QLDA Hạ tầng Tả ngạn làm chủ đầu tư, dù đã cơ bản hoàn thành với khối lượng công việc ước đạt 96% nhưng qua thực tế kiểm tra, việc lát hè rất cẩu thả, nhiều chỗ mấp mô ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Một số điểm bó vỉa hè và hệ thống thoát nước chưa đạt yêu cầu gây mất mỹ quan và thoát nước chậm…

Trên một số tuyến phố trung tâm như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn, khâu hoàn trả lòng đường, vỉa hè của các đơn vị thi công sau khi chôn lấp hệ thống cáp điện có thể nói là rất cẩu thả. Đặc biệt là tại các ngã ba, ngã tư, chỗ thì gồ lên như sống trâu, chỗ lại lõm sâu xuống thành các ổ gà. Nhiều nắp hố ga trên đường không đồng nhất với cốt đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định: TP đã "chốt" tiến độ các dự án hạ ngầm và chỉnh trang đô thị phải hoàn tất trước ngày 30-7 để kịp phục vụ Đại lễ. Tuy nhiên, chủ đầu tư, nhà thầu không được phép vì "chạy" tiến độ mà làm bừa, làm ẩu. Chỗ nào, đoạn nào không bảo đảm chất lượng sẽ phải bóc lên làm lại. Sở GTVT, Ban QLDA phải cắt cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên giám sát, làm đến đâu gọn đến đó, cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Thanh tra Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị để vật liệu xây dựng, phế thải bừa bãi. Quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội rất rõ ràng: Chủ đầu tư nào không hoàn thành nhiệm vụ, TP sẽ không giao các dự án khác sau này. Nhà thầu nào làm bừa, làm ẩu, TP yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương thay thế và mời các đơn vị mạnh vào tăng cường thi công ba ca liên tục. Tất cả phải nỗ lực hơn, quyết liệt hơn để Thủ đô gọn gàng hơn, sạch đẹp hơn trong dịp Đại lễ.

Tuấn Khải