Lợi - ai nhận, hại - ai chịu?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 13/07/2010
Trước hết là sự "vênh" nhau giữa lượng sữa thực do đàn bò trong nước cung cấp và lượng sữa tươi được các doanh nghiệp đưa ra thị trường. Cụ thể, năm 2008, đàn bò của chúng ta chỉ cung cấp được khoảng 262 triệu lít, nhưng có tới 439 triệu lít sữa tươi được đưa ra thị trường. Tương tự, trong năm 2009, tổng lượng sữa tươi của cả nước là 270 triệu lít, còn lượng sữa tươi được các doanh nghiệp bán trên thị trường là trên 452 triệu lít. Theo tính toán của các cơ quan chức năng thì đàn bò hiện có ở Việt Nam chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng sữa tươi trên thị trường, còn lại hơn 60% sữa tươi được làm từ… sữa bột (còn gọi là sữa hoàn nguyên). Ấy là mới tính sơ sơ, chưa kể đến hàng loạt chế phẩm như sữa chua, sữa đặc có đường, sữa bột trẻ em, sữa dành cho người bị bệnh tiểu đường… có sử dụng nguyên liệu là sữa tươi.
Thế nhưng lạ là nếu dạo quanh thị trường thì đố thấy một sản phẩm sữa nước nào ghi là sữa hoàn nguyên mà chỉ thấy "sữa bò tươi nguyên chất", "tinh khiết từ thiên nhiên", "sữa tươi tiệt trùng", "sữa tươi 100%"… Sự cố tình "quên" hoặc nhập nhèm ấy không phải không có mục đích. Nếu như các doanh nghiệp mua sữa bột về pha lại, thêm gia giảm, rồi đóng gói thành sữa tươi bán ra thị trường có thể thu lãi từ 1.000 tới 1.500đ mỗi hộp. Và không chỉ là lợi nhuận, nếu dùng sữa hoàn nguyên để chế biến thì doanh nghiệp còn không phải tốn chi phí đầu tư, trang bị hệ thống bảo quản khi thu mua sữa tươi về chế biến. Tính ra từ giá nhập khẩu nguyên liệu sữa bột, sản xuất ra 1 lít sữa tươi kiểu đó mất khoảng 5.000đ, còn nếu thu mua sữa tươi thì giá trung bình là khoảng 7.200đ/lít.
Vậy phải chăng thị trường của chúng ta không ai quản lý, mặt hàng này được thả nổi? Đây mới là câu hỏi khó có thể trả lời rõ ràng. Theo TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh), việc quản lý chất lượng sữa nước được giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), nhưng thực tế hầu như các nhà sản xuất, doanh nghiệp "muốn sao được vậy" khi công bố chất lượng sản phẩm của mình. Ngoài việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm sữa của cơ quan được giao trách nhiệm quản lý là chưa sát sao thì lại còn một nguyên nhân khác là các văn bản pháp quy hiện không quy định rõ tỷ lệ phần trăm thành phần các loại sữa nên doanh nghiệp có cơ hội lách luật. Cùng với hàng loạt cái "lý" mà những người "quản" đưa ra để giải thích rằng rất khó thực thi nhiệm vụ thì chế tài xử phạt đối với các vi phạm hiện thời lại không phát huy được tác dụng răn đe.
Khi họa hoằn những vi phạm có bị kiểm tra phát hiện thì cũng xuê xoa là xong chuyện, thử hỏi những doanh nghiệp chỉ biết đến lợi nhuận dại gì không làm vì lợi nhuận qua chuyện phù phép sản phẩm thành sữa tươi thu về được tới 30% tổng giá thành?
Thiệt hại của người tiêu dùng khi bị "móc túi" mua những sản phẩm không đúng như doanh nghiệp quảng cáo, công bố chất lượng là nhìn thấy rõ. Và như thế cũng nên xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý thị trường, quản lý chất lượng mặt hàng này.