Chân móng chưa có thì...
Văn hóa - Ngày đăng : 04:52, 12/07/2010
Câu này đúng quá! Nhưng không mới, bởi nó đã được xới xáo bao lần rồi. Người viết nhớ cách nay gần chục năm, trong buổi hội thảo của Hội Âm nhạc Hà Nội, một nhạc sĩ tên tuổi đã phàn nàn về chuyện "có bản tổng phổ bốn chương mà vài năm nay không lo nổi tiền để dàn dựng, cho ra mắt công chúng". Sau này, ở nhiều kỳ cuộc khác, hễ nói tới giao hưởng là tất cả nhất nhất vinh danh đó là thứ thể hiện trình độ âm nhạc của một quốc gia kèm theo ý kiến phàn nàn về cái sự "đói kém" luôn song hành với dòng nhạc này.
Sự thực thì cái sự đáng để phàn nàn ấy là lỗi của riêng Hội Nhạc sĩ Việt Nam hay là của chung xã hội? Có lẽ là cả hai, nhưng nguyên do cơ bản nằm ở phía xã hội - tức tất cả chúng ta, cả ở góc độ góp phần quảng bá thúc đẩy lẫn tạo ra thị trường cho dòng nhạc này.
Một năm, ở Việt Nam có biết bao sự kiện thể thao, văn hóa nhận được sự tài trợ ở mức cao, đủ để nói sự kiện ấy được tổ chức với phương thức xã hội hóa. Trong biết bao chương trình, sự kiện ấy, thử hỏi riêng về âm nhạc, giao hưởng - thính phòng nhận được sự quan tâm thế nào? Hai buổi hòa nhạc quy mô mang tên Toyota, Hennessy và vài chương trình khác do các dàn nhạc giao hưởng Việt Nam phối hợp với các đoàn nghệ thuật nước ngoài thực hiện, có là bao so với số tiền xã hội bỏ ra làm chương trình nghệ thuật - lễ hội mang tính quần chúng, với số chương trình truyền hình được nhà tài trợ "xịn" đứng đằng sau? Bao lâu mới lại có một đêm nhạc giao hưởng như của nhạc sĩ Vĩnh Cát vừa qua? Những pop - rock, show giải trí như độc chiếm truyền hình - âm nhạc, chẳng còn đất cho hình thức giải trí cao cấp nhưng kén người xem. Làm sao mà phổ cập được? Thử liếc qua số giải thưởng âm nhạc hằng năm do một số cơ quan báo chí tổ chức mà xem, có gì dành cho giao hưởng - thính phòng?...
Chân móng cho giao hưởng - thính phòng thật là yếu. Thiếu tiền, thiếu khán giả, chỉ một trong hai yếu tố ấy cũng đủ khiến Hội Nhạc sĩ bó tay rồi.
Vậy nên, đừng trách riêng mình họ!