Sức mạnh nhân thêm, điển hình lan tỏa

Giáo dục - Ngày đăng : 04:48, 12/07/2010

(HNM) - Hôm nay, ngày 12-7, trong khí thế thi đua sôi nổi chào mừng Thủ đô 1000 năm tuổi, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu thành phố lần thứ ba nhiệm kỳ 2010-2015. Dịp này, nhà giáo ưu tú Vũ Mạnh Kha, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội chia sẻ với bạn đọc về những nỗ lực và kết quả hoạt động của Hội khi nhìn lại 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua. Ông cho biết:

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng khen thưởng từ Quỹ Khuyến học TP cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn lần thứ VI năm 2006 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Tâm


- Quy mô Hội Khuyến học Hà Nội đã phát triển nhanh chóng và được củng cố vững chắc. Năm 1999 khi mới thành lập, Hội mới chỉ thu hút gần 4.000 hội viên, đến đầu nhiệm kỳ II (2005-2010), cả 14 quận, huyện đều có tổ chức Hội với hơn 50.000 hội viên, đến nay con số hội viên đã tăng lên gấp 7 lần, với khoảng 350.000 người ở gần 9.000 Chi hội. Sự phát triển nhanh về tổ chức và số lượng hội viên chứng tỏ chủ trương về khuyến học là đúng đắn, hợp với truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam, được mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đóng góp trí tuệ, vật chất, hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp chấn hưng giáo dục Hà Nội và cả nước.

- Sức lan tỏa của phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” trên địa bàn Thủ đô thời gian qua dường như cũng là một minh chứng?

- Gia đình là tế bào của xã hội, nếu mọi gia đình đều quan tâm đến khuyến học thì việc xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Bộ Chính trị sẽ càng lan tỏa. Mô hình “Gia đình hiếu học” ngay khi được khởi xướng đã nhanh chóng thu hút gần 19.000 gia đình đăng ký phấn đấu, nay tăng lên gấp gần 8 lần, trong đó có một nửa số gia đình đã được công nhận. Ba tiêu chí: Tạo điều kiện tốt nhất cho con cháu đến tuổi đi học được đến trường học tập, không bỏ học, không lưu ban, không mắc tệ nạn xã hội; mọi người đều có kế hoạch và chương trình học tập thích hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống; tích cực tham gia phong trào khuyến học ở địa phương nay trở thành mục tiêu phấn đấu của hầu hết các gia đình ở Thủ đô.

- Để mọi người đều có chương trình học tập thích hợp, nhất là với đối tượng người lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống như tiêu chí đề ra, Hội khuyến học Hà Nội đã có kế hoạch gì, thưa ông?

- Năm 2007, Hội Khuyến học Hà Nội được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba
- 4 tập thể và 2 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen
- Hội Khuyến học Việt Nam tặng 5 cờ thưởng "Đơn vị
thi đua xuất sắc" và 1 cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc 8 năm (2000-2009) cho Hội Khuyến học Hà Nội; 556 kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học"; 267 Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích thi đua xuất sắc.

- Với trách nhiệm của mình, Hội đã cùng Sở GD-ĐT tham mưu với TP đề ra các biện pháp để nhanh chóng xây dựng trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại xã, phường, thị trấn. Đây được coi là “trường học của nhân dân” bởi đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của mọi người dân, cũng là hoạt động thiết thực để đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập. Đến tháng 12-2007, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã có TTHTCĐ. Sau khi mở rộng địa giới, Hội đã xây dựng chuyên đề: “Khảo sát thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng, mô hình TTHTCĐ” tại các địa bàn khác nhau nhằm hỗ trợ cho Sở GD-ĐT thực hiện kế hoạch hoàn thành xây dựng TTHTCĐ tại 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn TP vào cuối năm nay (tỷ lệ này của Hà Nội hiện là 67%, tương đương với 385 số xã, phường, thị trấn).

- Những hình thức trên là để hỗ trợ những đối tượng ngoài nhà trường. Vậy còn với HS? Được biết, để hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn, các thành viên Hội khuyến học từng kiên trì với một khẩu hiệu mà giờ đây đã trở thành một  nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội?

- Một trong những nhiệm vụ chính của Hội thời gian qua và cả trong thời gian tới là vận động các nguồn tài trợ để gây quỹ, hỗ trợ việc học của những HS có hoàn cảnh khó khăn với khẩu hiệu: “Không để trẻ em phải bỏ học vì lý do kinh tế”. Hội đã đề ra 10 việc làm hỗ trợ nhà trường, trong đó có việc cấp học bổng cho HS nghèo, góp phần giảm tỷ lệ HS lưu ban, chống tình trạng HS bỏ học. Kinh phí cấp học bổng ngày càng tăng, từ 4,5 tỷ đồng (năm 2008) lên gần 10 tỷ đồng (năm 2009) và năm nay, con số ấy dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Nhiều quận, huyện đã vận động gây quỹ được trên 1 tỷ đồng như Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Gia Lâm, Ba Vì, Thường Tín…

Không chỉ vận động gây quỹ để hỗ trợ việc học, một số xã ở Hoài Đức, Ứng Hòa còn cấp từ 1 đến 2 sào ruộng cho gia đình có con đỗ ĐH; có gia đình ở xã Tế Tiêu (Mỹ Đức) đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng trường THCS cho xã… Những tấm lòng hảo tâm đã giúp cho hàng chục nghìn lượt HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn vững bước tới trường. Việc hợp nhất Hội khuyến học các địa phương sau khi mở rộng địa giới sẽ càng nhân thêm sức mạnh thi đua cho hoạt động khuyến học trong nhiệm kỳ mới, làm lan tỏa những điển hình về tinh thần nhiệt huyết, cống hiến cho sự học của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô.

- Xin cảm ơn ông!

Thống Nhất