Tiết kiệm nước
Góc nhìn - Ngày đăng : 04:23, 12/07/2010
Ở miền Trung, giá một mét khối nước sinh hoạt có nơi đã tới 200.000 đồng. Hàng chục vạn héc ta lúa và hoa màu không mưa, xa nguồn thủy lợi ở khắp nơi chắc cũng mất trắng. Khẩn thiết hơn, nhiều hải đảo và vùng ngập mặn đã hết nước dự trữ, phải trông chờ từng ca nước cứu viện. Nhưng cũng chính những nơi này thôi, rất có thể tuần sau, tháng sau mưa bão sẽ ập xuống, ngâm xóm làng, đồng ruộng, đường sá trong biển nước.
Nắng mưa là chuyện của trời, chỉ có thể hạn chế thiệt hại chứ không ngăn được. Sự mất cân đối nghiêm trọng về nước giữa mùa mưa bão và mùa khô, giữa vùng này và vùng khác ở nước ta là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu nhìn lại diễn biến ít năm trở lại đây, thấy nhiều quy luật đã thay đổi. Tình hình nắng nóng, khô hạn gay gắt hiện nay; diễn biến mưa bão mấy năm nay là những thí dụ. Thông tin kịp thời, triển khai các biện pháp giảm thiệt hại, xây dựng phương án cứu nạn; hỗ trợ các nạn nhân thiên tai là rất cần thiết. Nhưng phải chăng từ tình hình nắng hạn năm nay, cần xúc tiến hơn nữa việc vận động, giáo dục, tổ chức và cần thiết sử dụng cả những chế tài mang tính bắt buộc nữa để hình thành một tập quán mới, tập quán tiết kiệm nước.
Từ hàng nghìn năm nay, dân ta đã sống trong tâm thức đất nước này luôn thừa nước, có chăng chỉ là thiếu nước uống chứ không thiếu nước lội. Nước thừa mứa nên không bao giờ vấn đề tiết kiệm nước được đặt ra, không bao giờ có ý thức thường trực về dự trữ nước, không cần thiết chọn loại cây trồng, vật nuôi ít tốn nước. Diện tích lúa nước ở nước ta là một thí dụ cho tâm thức này.
Từ tập quán sử dụng nước từ nghìn đời, không phải một lúc người ta hiểu được một cách sâu sắc việc LHQ xếp nước ta vào danh sách các quốc gia thiếu nước trên thế giới và từ đó hình thành nếp sống tiết kiệm nước.
Lãng phí nước từ việc phá rừng, hủy hoại lớp thực bì giữ nước, thấm nước xuống tầng nước ngầm; làm ô nhiễm các dòng sông; phá hoại tầng nước ngầm do khai thác quá mức, khai thác không đúng kỹ thuật.
Lãng phí nước do không có ý thức dự trữ nguồn nước mưa khổng lồ bằng hệ thống hồ chứa và cả những bể chứa trong từng gia đình, mỗi năm để trôi ra biển 4.000 tỷ mét khối nước ngọt.
Lãng phí nước trong sinh hoạt và lãng phí cả nước sạch đã qua chế biến, nghiêm trọng nhất là ở các đô thị có nước máy. Chúng ta tính toán được mỗi bữa ăn cần bao nhiêu lương thực, bao nhiêu thực phẩm, quy ra bao nhiêu tiền nhưng rất ít người tính toán chi ly mỗi ngày mỗi người dùng hết bao nhiêu lít nước; một thành phố cần bao nhiêu nước để rửa ô tô, xe máy, tưới cây cảnh, làm mát phố… trong một ngày. Nếu có ý thức không lãng phí nước của người dùng thì tuy còn thiếu thốn về cơ sở vật chất - kỹ thuật, ngành cấp nước vẫn đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu nước cho người dân. Cũng chính vì chưa có ý thức tiết kiệm nước, tỷ lệ nước sạch thất thoát ở một số thành phố lên tới 40%, ít cũng 15%, gây nên tình trạng thiếu nước dùng ngay giữa phố phường.
Nắng nóng gay gắt, thiệt hại đã rõ nhưng cũng là dịp để ta nhìn lại cách sử dụng nước phung phí của mình, từ đó kiên trì để vài chục năm sau, có thể hình thành thói quen nghĩ ngay đến việc tiết kiệm nước trong mọi hoạt động sản xuất và đời sống như chế biến nước biển thành nước ngọt ở các đảo, dự trữ nước trong mùa mưa bão, chọn loại cây trồng ít tốn nước và chỉ cung cấp cho cây đủ lượng nước cần thiết, tiết kiệm nước sạch, không để thất thu, lãng phí ở các thành phố.