Kỳ thi nghiêm túc
Tuyển sinh - Ngày đăng : 08:12, 11/07/2010
* Toàn quốc chỉ có 256 thí sinh vi phạm quy chế, 9 cán bộ coi thi bị xử lý kỷ luật
(HNM) - Buổi thi cuối cùng của đợt thi ĐH 2010 đã kết thúc trong thời tiết dễ chịu hơn hẳn các ngày trước đó, đánh dấu một kỳ thi suôn sẻ và thành công. Không có biến cố lớn nào xảy ra. Trong hơn 1,238 triệu thí sinh dự thi, có 256 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật. Số cán bộ bị xử lý kỷ luật là 9 người.
Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành tốt kỳ thi. Ảnh: Viết Thành |
Đa số lỗi của thí sinh là mang theo điện thoại
Đó là khẳng định của ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT trong cuộc họp báo về kỳ thi ĐH 2010. Ông Khôi cũng cho biết, cả 2 đợt thi ĐH năm nay có 195 lượt trường tổ chức thi. Các trường đã chuẩn bị 1.865 điểm thi, 52.465 phòng thi, huy động trên 120.000 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. So với năm 2009, mặc dù số thí sinh dự thi giảm, nhưng các hội đồng thi đã thực hiện quy định mới của quy chế (theo danh sách chỉ xếp tối đa 40 thí sinh/phòng thi) nên số phòng thi tăng 3.457 phòng. Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH là 1.607.653, giảm 10,74% so với năm 2009. Số thí sinh dự thi là 1.237.870, đạt tỷ lệ 77% so với tổng số hồ sơ đăng ký, tăng 6,93% so với năm ngoái. Trong số 256 thí sinh bị xử lý kỷ luật, có 34 trường hợp bị khiển trách, 22 cảnh cáo và 200 bị đình chỉ thi. Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ cho biết có tới 60% lỗi của thí sinh là do mang điện thoại vào phòng thi, các lỗi còn lại là mang theo tài liệu và các vật dụng không được phép khác.
Đề thi hay và khó
Đề thi, một trong những vấn đề được quan tâm nhất, năm nay được dư luận đánh giá tốt. Bộ GD-ĐT cho biết, không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi. Đề không quá dài, không đánh đố, phù hợp với trình độ chung, có khả năng phân loại cao. Đề được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu biên soạn, vận chuyển, in sao, phân phối và sử dụng.
Hay song sẽ ít thí sinh đạt điểm cao, đó là nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh năm nay sau khi xem các đề thi của cả 2 đợt. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đề thi toán, lý của khối A và toán của khối B năm nay đặc biệt khó và dài.
Như mọi năm, đề thi văn vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Sau những đề thi thú vị và bất ngờ của năm ngoái, năm nay dư luận lại chờ đợi xem câu hỏi nghị luận xã hội sẽ đề cập tới những vấn đề thiết thực gì với giới trẻ cũng như cộng đồng. Có vẻ mọi người đã không phải thất vọng bởi đề thi khối C được coi là thực sự để chọn ra những thí sinh có năng khiếu văn học. Câu nghị luận xã hội chiếm 3 điểm của khối C yêu cầu thí sinh nói về "thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội", "như một thứ a-xít vô hình". Làm được câu này, thí sinh không chỉ cần có khả năng cảm thụ văn học mà còn cần cả kinh nghiệm sống và kiến thức xã hội, một điều rất khó với các em học sinh vừa rời ghế trường phổ thông. Câu hỏi dạng này ở đề thi khối D thậm chí còn được đánh giá là khó hơn cả khối C với yêu cầu thí sinh trình bày về vấn đề "Đạo đức giả là một căn bệnh chết người luôn nấp sau bộ mặt hào nhoáng". Thí sinh Nguyễn Trường An, thi vào ĐH Ngoại thương cho rằng: Em làm câu này khá chật vật vì rất khó tìm các dẫn chứng trong thực tế.
Thí sinh làm bài thi môn ngoại ngữ tại hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Nhật Nam |
Theo TS Văn học Trịnh Thu Tuyết: Cảm nhận chung về đề văn năm nay là hay. Các câu nghị luận xã hội đề cập tới những vấn đề đang được cả xã hội quan tâm, những vấn nạn gây nhức nhối đời sống cộng đồng. Còn các câu nghị luận văn học đã bảo đảm được sự cân đối giữa thơ và văn xuôi, kiến thức lớp 11 và 12, vừa sát chương trình phổ thông, vừa yêu cầu thí sinh có những cảm nhận riêng tinh tế, có tư duy tổng hợp, so sánh sâu, rộng.
Thưởng 1 điểm cho bài thi có tính sáng tạo
Đề thi năm nay không khác nhiều so với đề thi năm 2009, đó là nhận xét của ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT. Trước một số ý kiến cho rằng đề toán khối B năm nay quá khó, đặc biệt là câu V, ông Nghĩa khẳng định: Câu V đúng là dành cho các học sinh giỏi. Tuy nhiên, bộ phận thực hiện đề thi đã sắp xếp 3 người giải thử đề và đều khẳng định rằng chỉ với kiến thức của chương trình học trong trường phổ thông, học sinh có thể giải được bài này, thậm chí theo nhiều phương án khác nhau.
Trước những băn khoăn về việc chấm thi đối với những bài làm có tính sáng tạo của thí sinh, ông Nghĩa cho biết: Việc chấm thực hiện theo đáp án, song trong hướng dẫn chấm thi, thí sinh có phương án khác với đáp án thì vẫn được chấm điểm. Bài thi được chấm dựa vào khung điểm theo hướng dẫn của Bộ, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh. Những bài làm có cách giải độc đáo, sáng tạo có thể được thưởng tối đa 1 điểm cho mỗi bài thi, sau khi được trưởng điểm chấm thi thông qua.