Cuộc “giải vây” chóng vánh
Thế giới - Ngày đăng : 07:50, 11/07/2010
Hai chuyên cơ được cho là chở các điệp viên của Nga và Mỹ. |
Chỉ vài giờ sau khi nhận tội "hoạt động gián điệp cho nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ" tại tòa hôm 8-7, 10 điệp viên Nga ngay lập tức được Mỹ trả tự do. Đổi lại, tại Điện Kremli, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng ký sắc lệnh phóng thích 4 người Nga bị cáo buộc làm gián điệp cho phương Tây. Cuộc trao đổi diễn ra tại phi trường Vienna của Áo - nơi được mệnh danh là "ổ gián điệp quốc tế". Một máy bay của Mỹ cất cánh từ sân bay La Guardia (New York) trong khi một chiếc Yakovlev Yak-42 của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cất cánh từ Moscow. Cả hai phi cơ đáp xuống sân bay Vienna gần như cùng lúc, đậu cạnh nhau tại một góc khuất. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy hai cầu thang được che kín nối vào cửa máy bay và không ai nhìn thấy các gián điệp. Khoảng 90 phút sau, 2 máy bay cất cánh về hai hướng mang theo những cuộc sống tự do.
Cuộc trao đổi chóng vánh trên khiến thế giới ngỡ ngàng bởi lẽ scandal gián điệp vừa diễn ra như một gáo nước lạnh dội vào quan hệ đang trong kỳ "trăng mật" giữa hai địch thủ thời Chiến tranh Lạnh. Ông Viktor Kremenyuk Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada của Nga nhận định: "Tôi nghĩ rằng, sự kiện này là cú đánh khá mạnh vào quan hệ Nga - Mỹ. Trước hết, nó sẽ ảnh hưởng đến việc phê chuẩn Hiệp ước Start mới. Tiếp theo, nó sẽ ảnh hưởng tới những thỏa thuận mà Tổng thống Medvedev đạt được tại California (Mỹ) liên quan đến những dự án đầu tư vào Nga. Ngoài ra, nếu đưa ra các biện pháp tương tự để trả đũa thì có nghĩa là sẽ xóa bỏ toàn bộ tiến trình "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ và hai nước sẽ trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh".
Nhưng với hai chuyến bay mang theo những "vị khách" đặc biệt vừa qua, cả Nga và Mỹ đều không muốn vụ gián điệp thế kỷ này - ít nhất là về số lượng, có tới 11 người bị Mỹ cáo buộc là điệp viên Nga ẩn sâu trong lòng nước Mỹ - làm tổn hại mối quan hệ vừa được cải thiện nhờ các nỗ lực "tái khởi động" của Tổng thống Medvedev và người đồng cấp Barack Obama. Sự kiện trao đổi điệp viên diễn ra quá nhanh, chỉ sau 11 ngày các điệp viên Nga bị bắt giữ, cho thấy mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã bước vào thời kỳ mới. Giới truyền thông Mỹ nhận định Tổng thống B.Obama đang thiết lập lại mối quan hệ Mỹ - Nga như một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trong đó, hai nước đang hợp tác trên nhiều vấn đề như Mỹ giúp thúc đẩy quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Nga; đổi lại, Nga hỗ trợ Mỹ giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và nhiều vấn đề khác. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết: "Thỏa thuận trao đổi gián điệp giữa Nga và Mỹ là một giải pháp thành công cho nước Mỹ". Còn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng mọi nỗ lực làm trật hướng quan hệ đôi bên đều sẽ thất bại".
Thời điểm vụ scandal gián điệp trên tung ra không phải tình cờ. Nó diễn ra ngay sau khi Tổng thống Medvedev vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ với thông điệp ủng hộ mạnh mẽ từ nước chủ nhà để Nga gia nhập WTO. Hơn ai hết, cả Điện Kremli và Nhà Trắng đều không muốn bất cứ sự "tái khởi động" nào trong quan hệ hai nước bị làm cho chệch hướng. Thêm vào đó, thời điểm hai quốc gia sắp phê chuẩn Hiệp ước Start mới đang tới gần. Do đó, vụ gián điệp không thể là nguyên cớ cản trở quan hệ Nga - Mỹ tiến lên phía trước. Tất cả cho thấy, quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ là dễ dàng và có tầm ảnh hưởng đến thế nào trên bàn cờ chính trị thế giới. Sự nồng ấm trong quan hệ Nga - Mỹ qua scandal gián điệp vừa được "giải vây" rõ ràng là một thành công hiếm hoi trên phương diện quan hệ quốc tế; nó càng đặc biệt hơn trong quan hệ Nga - Mỹ vốn đã phải trải qua quá nhiều khó khăn suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Cuộc "giải vây" chóng vánh nói trên cho thấy Moscow và Washington đã sẵn sàng hy sinh "chiến thuật" để gặt hái "chiến lược" - tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa hai cường quốc.