Về với Lâm Hà

Chính trị - Ngày đăng : 07:28, 11/07/2010

(HNM) - Trong những ngày cận kề Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuổi trẻ Thủ đô tổ chức hành trình đến với những người con Hà Nội xa quê đang sinh sống tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, cách đây gần 35 năm, những chàng trai, cô gái Hà Nội hào hoa, thanh lịch tạm biệt phố phường, xung phong lên đường vào lập nghiệp tại vùng đất mới. Thêm một nét đẹp người Tràng An được khẳng định tại nơi còn nhiều khó khăn này.

Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho thanh niên tiền trạm Lâm Hà.


Ấm áp tình người xa quê
Buổi gặp mặt giữa cán bộ, thanh niên Thủ đô, đại diện Ban Liên lạc thanh niên tiền trạm Hà Nội và những người con Hà Nội đang sinh sống, lập nghiệp ở vùng đất Nam Ban, Lâm Hà diễn ra đầy xúc động. Hội trường thị trấn Nam Ban râm ran tiếng cười nói, hỏi thăm, chia sẻ, vì đây cũng là lần đầu tiên có buổi gặp gỡ tương đối đông đủ, thân tình giữa những thanh niên tiền trạm năm xưa. Ông Vũ Mộng Lân, thành viên Ban Liên lạc tiền trạm tại Lâm Hà cho biết: "Chúng tôi rất cảm động khi có đoàn công tác của Thành đoàn Hà Nội đến thăm, giao lưu, gặp gỡ và trao quà. Tình cảm của tuổi trẻ Thủ đô hôm nay cho thấy chúng tôi không bị quên lãng".

Kể về đời sống của bà con nơi đây, ông Lân cho biết thêm, vùng đất này có hơn 200 thanh niên tiền trạm của Hà Nội ở lại xây dựng gia đình, lập nghiệp. Những năm trước đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng mấy năm gần đây, nhìn chung đời sống của bà con cũng đã khá hơn nhiều. Hiện chỉ có vài trường hợp khó khăn do đông con hoặc sống đơn thân.

Bí thư Huyện ủy Lâm Hà Trần Thanh Phương khẳng định, tuy Hà Nội đang bộn bề công việc chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vẫn nhớ về những người con xa quê thông qua chuyến hành trình của tuổi trẻ Thủ đô về với Lâm Hà. "Công tác ở huyện nhiều năm, chưa khi nào lại có buổi gặp mặt đáng nhớ và nhiều kỷ niệm với những thanh niên tiền trạm như thế này" - Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Phương cho biết thêm. Gần 35 năm qua, với bàn tay, khối óc và cả tuổi trẻ của mình, những người thanh niên Hà Nội năm xưa đã góp phần biến vùng đất Lâm Hà hoang vu trở thành vùng đất có sức phát triển hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng; kinh tế hằng năm tăng trưởng trên 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 17 triệu đồng/năm…

Năm 1976, hai ông bà Nguyễn Văn Ngà và Nguyễn Thị Lăng ở xã Yên Sở, huyện Thanh Trì cũ (nay là quận Hoàng Mai), đã xung phong đi tiền trạm theo tiếng gọi của Tổ quốc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù biết là khó khăn, gian khổ. "Tôi và bà Lăng đang yêu nhau thì nhận được kế hoạch đi tiền trạm. Lúc ấy, cả hai chúng tôi gia đình đều khá giả nhưng đều xung phong đi. Những ngày đầu gian khó, nguy hiểm, đối mặt với sốt rét, mưa rừng… chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ, quyết tâm ở lại xây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới mặc dù cũng có lúc tưởng rằng không thể vượt qua được…" - ông Ngà bồi hồi nhớ lại. Đến nay, gia đình ông Ngà có cuộc sống ổn định với 5.000m2 đất trồng cà phê, dâu tằm, chanh dây, trừ chi phí mỗi năm cũng để ra khoảng 20 triệu đồng.

Tri ân những ngườimở đường
Giao lưu, tặng quà cho 115 thanh niên tiền trạm Hà Nội năm xưa, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu xúc động bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ và biết ơn của tuổi trẻ hôm nay với thế hệ đi trước. Đến với các cô, các chú trong dịp này, tuổi trẻ Thủ đô mong muốn sẻ chia tình cảm, trách nhiệm với thanh, thiếu nhi và nhân dân Lâm Hà. Đây cũng là hoạt động giáo dục truyền thống, giúp tuổi trẻ Thủ đô hiểu biết kỹ hơn về vùng đất Lâm Hà, mặc dù xa cách về địa lý nhưng có thể coi như "đơn vị hành chính thứ 30" của Hà Nội. Vùng đất Lâm Hà hình thành và phát triển với sự góp sức của thanh niên tiền trạm Thủ đô đã khẳng định một điểm sáng thành công của mô hình xây dựng vùng kinh tế mới; là điển hình để tổ chức Đoàn tham khảo trong việc xây dựng, phát triển các vùng kinh tế mới sau này. Bí thư Thành đoàn cũng ghi nhận, báo cáo với cấp trên về nguyện vọng của những thanh niên tiền trạm năm xưa đề nghị Đảng, Nhà nước, TƯ Đoàn quan tâm, sớm công nhận và giải quyết chế độ cho họ như đối với thanh niên xung phong.

Trong dịp này, Đoàn công tác của Thành đoàn Hà Nội gửi tới thanh, thiếu nhi, nhân dân Lâm Hà và tỉnh Lâm Đồng những món quà đầy ý nghĩa. Đoàn đã khởi công xây nhà tình nghĩa tặng thanh niên tiền trạm Thủ đô xây dựng vùng kinh tế mới, gắn biển nhà tình nghĩa tặng cán bộ chi đoàn xã Đạ Đờn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng; tặng 20 bộ máy tính cho Huyện đoàn và các xã thuộc huyện Lâm Hà; 20 xe đạp cho thiếu nhi vượt khó học tốt, 15 bộ trống Đội, 60 bộ quần áo nghi thức Đội, hơn 1.000 quyển vở, 20 suất quà cho thanh niên xung phong và 115 suất quà cho thanh niên tiền trạm cùng nhiều phần quà ý nghĩa khác… thể hiện sự tri ân của tuổi trẻ Thủ đô đối với những thanh niên tiền trạm năm xưa, đồng thời chung tay, giúp sức cùng thanh, thiếu nhi Lâm Hà vượt khó… Hành trình về với Lâm Hà, tuổi trẻ Thủ đô muốn mang không khí Đại lễ đến sớm với những người con Hà Nội xa quê trên vùng cao nguyên.

Vũ Thủy