Khủng hoảng nợ châu Âu: Loay hoay tìm “đơn thuốc”
Thế giới - Ngày đăng : 08:54, 10/07/2010
Hàng nghìn người Hy Lạp biểu tình dưới trời nắng nóng. |
Đó là hậu quả của một thời gian dài "vung tay quá trán" đã khiến nhiều nước châu Âu bị thủng chiếc túi "ngân sách" và buộc phải cắt giảm chi tiêu nhằm tránh một cuộc đổ vỡ dây chuyền. Tuy nhiên, thay đổi một thói quen, nhất là thói quen hưởng thụ, không hề đơn giản. Sự thay đổi đột ngột trong chính sách phúc lợi đang tạo ra làn sóng phản đối ở khắp cựu lục địa. Trong lúc thời tiết chính trị oi bức kéo dài, áp lực phải "thắt lưng buộc bụng" càng khiến cơn thịnh nộ của người dân châu Âu bùng phát dữ dội.
Trung tâm của sự giận dữ không đâu khác chính là Hy Lạp - "cái nôi của khủng hoảng nợ". Hai ngày qua, biểu tình và tổng bãi công đã làm tê liệt hầu như toàn bộ hệ thống giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ. Hơn 80 chuyến bay quốc tế và nội địa đã bị hủy bỏ, 110 chuyến khác phải lùi giờ bay do các nhân viên không lưu tham gia bãi công. Tất cả các chuyến tàu hỏa đều ngừng chạy, thành phố hoàn toàn vắng bóng xe buýt, trong khi tàu biển neo đậu dường như bất động tại cảng. Các cơ quan hành chính, bệnh viện và các công ty nhà nước đều bị tác động nghiêm trọng. Đây là cuộc bãi công thứ 6 trong năm nay ở Hy Lạp, diễn ra chỉ vài giờ sau khi Quốc hội nước này thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu tăng từ 60 lên 65. Đây cũng là tình trạng chung đối với nhiều quốc gia khác ở lục địa già khi chiến dịch cắt giảm ngân sách ngày càng được "tăng tốc".
Đáng nói là đến thời điểm này, dù đã gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của người dân châu Âu song, hiệu quả mà "thắt lưng buộc bụng" mang lại cho nền kinh tế châu Âu và thế giới vẫn còn là mối nghi ngờ lớn. Những người ủng hộ chính sách kham khổ tin rằng đây là biện pháp cần thiết và thích đáng. Một cách cụ thể hơn, tiết kiệm ngân sách sẽ làm giảm rủi ro đối với nợ chính phủ, qua đó gia tăng mức độ tín nhiệm của các nhà đầu tư. Ngoài ra, quá trình "thắt chặt hầu bao" không thể kéo dài mãi nên các chương trình củng cố ngân sách, nếu được thiết kế tốt còn có thể kích thích tăng trưởng. Còn những người phản đối lại cho rằng, chính sách nhiều nước châu Âu đang áp dụng đi ngược lại mục đích kích thích kinh tế phát triển, đẩy tỷ lệ thất nghiệp và bất ổn xã hội lên cao và có thể kéo châu lục này trở về thời kỳ suy thoái những năm 1930 thế kỷ trước. Nhiều chuyên gia xem các gói kích thích tài khóa là cột trụ thiết yếu cho nền kinh tế đã lên tiếng cảnh báo cắt giảm thâm hụt ngân sách bây giờ sẽ dẫn đến đình trệ và giảm phát trong tương lai.
Hiện tại, châu Âu đang trông chờ vào hiệu quả của một "toa thuốc" mới mang "phong cách Mỹ". Theo hướng dẫn của "toa thuốc", từ nay đến cuối tháng 7, các nhà điều tiết ngành ngân hàng châu Âu sẽ thanh tra 91 ngân hàng chiếm tương đương 61% ngành ngân hàng châu lục để tìm hiểu liệu nhóm ngân hàng này có thể "chống đỡ" nếu kinh tế tiếp tục đi xuống và giá trái phiếu chính phủ giảm. Qua đó, các ngân hàng này có thể đưa ra hướng đi phù hợp. Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng, biện pháp được cho là áp dụng thành công ở Mỹ hồi tháng 5-2009 này sẽ giúp phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư với hệ thống ngân hàng vốn bị cho là khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
Tuy nhiên, nếu xét một cách công bằng thì vấn đề mà các ngân hàng ở châu Âu đang gặp phải phức tạp và nan giải hơn nhiều so với Mỹ. Ngoài ra, trong khi Chính phủ Mỹ có đủ khả năng và tiềm lực để giải cứu các ngân hàng của mình thì, các chính phủ châu Âu lại đang ngập chìm trong nợ nần. Vì vậy, việc áp dụng một biện pháp mang "phong cách Mỹ" liệu có thành công ở châu Âu hay không là một câu hỏi không dễ trả lời.