Vàng, chứng khoán: Không còn hấp dẫn nhà đầu tư

Tài chính - Ngày đăng : 08:35, 10/07/2010

(HNM) -

Thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ảnh: Đàm Duy


Thờ ơ với vàng…
Thị trường vàng trong nước từng có những thời điểm khá sôi động. Cảnh người đổ xô đi mua, rồi lại ào ào đi bán không hiếm thấy, bởi khi đó, biên độ dao động của vàng khá lớn, giúp nhiều nhà đầu tư lướt sóng có thể thu lãi lớn. Tuy nhiên, cũng vì tâm lý đám đông đó mà không ít người bị lỗ hàng triệu đồng/lượng trong vòng chưa đầy 24h. Những người đua nhau mua lúc giá giảm, rồi lại lũ lượt bán lúc giá bắt đầu tăng đã phải ngậm ngùi, tiếc vì giá vàng tăng cao hơn trong nhiều ngày tiếp đó. Nhiều bài học về vàng đã khiến giới đầu tư thận trọng hơn. Song đó chỉ là một trong những nguyên nhân khiến vàng bớt hấp dẫn. Thị trường vàng gần đây trầm lắng được giới chuyên gia lý giải là do biên độ dao động không lớn, nhà đầu tư khó có thể thu lãi nhanh.

Trước đây, giá vàng tăng, giảm tương đối khớp với quy luật thông thường và nhiều người có thể dự đoán được. Khi đó, giá vàng giảm xuống một ngưỡng nhất định rồi sau đó tăng mạnh trở lại. Thêm vào đó, tình hình kinh tế khá rõ nét cũng giúp nhà đầu tư có một định hướng về vàng. Nhưng từ khi cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có nguy cơ lan rộng, nền kinh tế Mỹ khó phục hồi như mong đợi giá vàng trồi sụt khá thất thường. Vàng tăng, giảm không còn theo quy luật (thông thường giá vàng diễn biến trái chiều với USD) mà theo niềm tin của giới đầu tư. Thực tế, vàng có những thời điểm tăng với tốc độ "phi mã", rồi lại "lao dốc" không phanh. Thời điểm cuối tháng 6, giá có ngày lên ngưỡng 28,7 triệu đồng/lượng theo đà của giá vàng thế giới (tiến lên "đỉnh" hơn 1.260 USD/ounce), rồi sau đó lại xuống sát ngưỡng 28 triệu đồng/lượng. Ngày 9-7, vàng được giao dịch phổ biến ở mức 28,15 triệu đồng/lượng (mua vào) - 28,22 triệu đồng/lượng (bán ra). Sự thất thường đó không đủ kéo giới đầu tư quay trở lại với kênh này, bởi theo họ, giá khó bắt được "đáy" hay "đỉnh", vì giá vàng trong nước phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến của giá thế giới.

Dè dặt với chứng khoán…
Từ giữa tháng 5 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục "lình xình". Mặc dù nhiều chuyên gia về CK lên tiếng thị trường sẽ sớm hồi phục và tăng trưởng mạnh vì các chỉ số kinh tế của nước ta đều khả quan, nhưng thị trường vẫn chỉ loanh quanh ngưỡng 500 điểm. Dường như, thị trường trong nước chịu ảnh hưởng khá lớn từ thị trường thế giới. Trước đây, giới đầu tư trong nước đã từng có những thời kỳ khá độc lập với thế giới, bởi nhiều phiên liên tiếp, các chỉ số CK tăng điểm bất chấp toàn cầu mất điểm. Hiện nay, sự trồi, sụt của thị trường lại gắn bó khá mật thiết với thế giới. Trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn bị ám ảnh bởi "bong bóng" nợ châu Âu, nhà đầu tư hoài nghi về khả năng hồi phục của nền kinh tế, CK mất đi vị trí là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Tình trạng bán tháo để chạy khỏi thị trường không còn xảy ra khi giới đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về CK, nhưng sự dè dặt của nhà đầu tư khiến các chỉ số CK không thể tăng điểm mạnh, khối lượng giao dịch chỉ ở mức trung bình trong nhiều phiên gần đây.

Sau khi lên sát mốc 550 điểm (VN-Index đạt 549,51 điểm vào phiên 6-5), chỉ số này liên tục rớt, rồi lình xình quanh ngưỡng 500 điểm. Đóng cửa phiên 7-7, VN-Index chỉ còn 496,91 điểm. Ngày 9-7, bất chấp TTCK toàn cầu hồi phục mạnh, thị trường trong nước vẫn chỉ tăng nhẹ khi giới đầu tư lo lắng về việc một quỹ đầu tư lớn có thể thoái vốn. VN-Index vẫn chưa thể chinh phục lại ngưỡng 500 điểm khi tăng 0,91 điểm (0,18%), dừng lại ở 499,46 điểm. Các công ty CK nhận định, khó xác định xu hướng của thị trường khi tâm lý nhà đầu tư đang phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố bên ngoài. Nếu diễn biến của thị trường thế giới khả quan, các chỉ số CK trong nước sẽ không rơi vào tình trạng giảm sâu; nhưng nếu CK toàn cầu vẫn ngập trong sắc đỏ, nhà đầu tư trong nước khó có thể lạc quan.

Thanh Nga