Thị trường công nghệ: Hàng vắng, chợ thưa!

Xe++ - Ngày đăng : 06:54, 09/07/2010

(HNM) - Cuộc khảo sát gần đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại gần 11.000 doanh nghiệp (DN) cho con số 8% số DN tự nhận công nghệ đang sử dụng là tiên tiến, chứng tỏ có một nhu cầu lớn về đổi mới công nghệ. Nhưng thị trường công nghệ (TTCN) nước ta lại vẫn chỉ chập chững những bước đi đầu tiên.

Khách hàng tham quan Chợ thiết bị công nghệ và thiết bị Việt Nam ASEAN+3 2009. Ảnh: Nguyệt Ánh


Còn ít hàng chất lượng cao

Vài năm trở lại đây, khi nhắc đến TTCN, điểm nổi bật nhất vẫn là việc các chợ công nghệ - thiết bị (Techmart) được tổ chức ngày một nhiều hơn (kèm Techmart "ảo" hoạt động liên tục trên internet) nhằm tăng cường khả năng liên kết giữa khoa học và đời sống. Sân chơi này đã có những thành công nhất định. Cụ thể là từ năm 2003 đến 2009, đã có khoảng 6.800 hợp đồng, bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ được ký kết với số tiền là 7.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là sự tăng trưởng số lượng hợp đồng ký kết tại các kỳ Techmart và sự tăng trưởng giá trị giao dịch công nghệ từ 26% năm 2008 so với năm 2007 lên 37% năm 2009 so với năm 2008 đã khẳng định công nghệ trong nước có tính cạnh tranh và thực sự trở thành hàng hóa.

Ngoài ra, để duy trì thường xuyên giao dịch công nghệ và hỗ trợ các hoạt động hậu Techmart, các trung tâm giao dịch công nghệ (GDCN) đã ra đời tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Theo Cục Thông tin KHCN Quốc gia, hoạt động của các trung tâm, sàn GDCN có những bước phát triển khả quan. Giai đoạn 2006-2008, hơn 1.500 giao dịch trực tiếp đã được thực hiện tại sàn GDCN Hà Nội, trong đó có 50 hợp đồng được ký kết với tổng giá trị 20 tỷ đồng. Hàng trăm thỏa thuận mua bán thiết bị đơn lẻ cũng được thực hiện tại đây. Tại TP Hồ Chí Minh, sàn GDCN theo hình thức Techmart thường xuyên (Techmart Daily) bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2006 và đến nay đã thực hiện hàng chục hợp đồng chuyển giao công nghệ. Còn sàn GDCN Hải Phòng tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2009 nhưng cũng đã kết nối được 19 hợp đồng với tổng giá trị gần 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những con số "bề nổi" trên không giấu nổi thực tế là TTCN Việt Nam chưa phát triển. Điều này thể hiện ở việc tính hoàn thiện của công nghệ nội sinh như một hàng hóa chất lượng cao còn hạn chế. Các tổ chức KHCN không muốn chi phí vào hoạt động xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu vì chưa có quy định nào bắt buộc các chủ đề tài sau khi nghiệm thu đề tài cần phải công bố với xã hội kết quả này thông qua Techmart.

Thiếu "bà đỡ mát tay"
Việc thiếu "bà đỡ" là các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng là rào cản khiến TTCN đến nay vẫn chưa là chỗ dựa cho cộng đồng DN Việt Nam. Theo nghiên cứu của TS Lê Xuân Bá (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), các giao dịch trên TTCN ở nước ta còn nghèo nàn, thể hiện sự phát triển ở trình độ thấp. Đến sàn hay hội chợ, các DN chủ yếu mua bán máy móc chứ chưa tham gia các giao dịch có hàm lượng công nghệ cao hơn như mua bán bản quyền sáng chế, hợp đồng nghiên cứu và triển khai.

TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin KHCN Quốc gia cho biết: Nước ta hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức tư vấn, trung gian, môi giới công nghệ và chuyển giao công nghệ. Hoạt động của các tổ chức này còn rất sơ khai, số lượng các đơn vị hoạt động mang tính chuyên nghiệp rất ít. Hơn nữa, các DN chưa có thói quen thuê tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ, phần lớn chỉ mua được máy móc, thiết bị là xong. Thậm chí nhiều DN (nhà nước cũng như tư nhân) không muốn thuê tư vấn trong các quyết định đầu tư đổi mới công nghệ. Hoạt động của các tổ chức tư vấn trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên tỷ lệ tư vấn trong các hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ chưa đáng kể.

Trong khi đó, có rất ít đơn vị chuyên về dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính đầu tư đổi mới công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhất là dịch vụ đánh giá - giám định công nghệ còn thiếu. Nguyên nhân ở chỗ, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư một nguồn lực nhất định trong khi lợi nhuận thu được chưa phải nhiều, khó hấp dẫn khu vực tư nhân tham gia... Điều này dẫn đến việc DN dù quan tâm đến công nghệ mới nhưng vì TTCN còn thiếu những trọng tài trung gian chuyên nghiệp nên khi có nhu cầu, họ phải tìm hướng đi riêng, trong đó bao gồm cả những rủi ro.

Theo kinh nghiệm của các nước, trong thời kỳ đang phát triển hiện nay của Việt Nam, cơ chế chính sách của Nhà nước cần tập trung kích cầu công nghệ. Cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm đưa TTCN dần trở nên chuyên nghiệp hơn.

Thế Dũng