Người về ngã ba sông...

Giới trẻ - Ngày đăng : 08:01, 08/07/2010

(HNM) - … Tựa vào cột mốc kè Hoắc Châu, hai tay khoanh trước ngực, ông nhìn ra mênh mông. Bãi sông hun hút, lòng sông như miệng con cá sấu khổng lồ ngoác rộng. Mùa mưa cách đây vài ba năm khó mà ung dung đứng ở miếng đất giáp sông này, bởi sóng ở đáy sông ùng ục húc vào bờ, thình lình cuốn trôi tất cả theo dòng nước ngàu đục.

Hình ảnh ấy khó phai trong ký ức của hơn ba trăm hộ dân thôn Hoắc Châu, xã Châu Sơn, Ba Vì. Với ông Lê Thiên Tích - cựu chiến binh, cựu tù binh thời chống Mỹ càng khó quên. Bởi chính ông, đận ấy đã mò mẫm đi khắp nơi để đòi bằng được việc kè bờ sông tránh lở đất cho Hoắc Châu. Những nghĩa cử của ông với quê hương, đồng đội chỉ để đổi lấy hai chữ chân tình...

Ông Tích (đầu tiên bên trái) cùng đồng đội thăm Bảo tàng Khe Sanh (Quảng Trị).


1. Ông nói với tôi rằng, nhờ lớn lên ở mảnh đất dữ dằn nhưng đầy chất văn hiến nên bản thân cũng có chút văn chương. Vì thế mà học hết cấp 3 ông đã được Ty Văn hóa mời dự trại viết văn trẻ chống Mỹ và được cử đi viết các gương điển hình tiên tiến, rồi được giao phụ trách kho sách thư viện tỉnh.

Đúng lúc chuẩn bị hành trang đi dự trại viết Quảng Bá (Trường viết văn Nguyễn Du) thì ông được gọi về đi bộ đội. Năm 1967, ông vào Sư 320, được cử biên tập Tập san Bạch Đằng; năm 1968 là phóng viên Báo Tiền tuyến của mặt trận Khe Sanh. Nhưng nói như ông, niềm vui ngắn chẳng tày gang, tháng 5 năm ấy, trong một lần đi viết về các chiến sỹ bắn cháy xe tăng Mỹ ở đồi Cát Nhị Hạ, xã Lâm Xuân Đông (Cửa Việt, Đông Hà, Quảng Trị), ông bị thương và bị địch bắt đưa ra đảo Phú Quốc. Vào tù với biệt danh Lê Túc, được đồng đội động viên và nhờ có vốn liếng tích lũy được trong thời gian làm ở thư viện tỉnh, ông dạy học, làm thơ, phụ trách tổ thơ trong ngục tù. Những bài thơ của các chiến sỹ cách mạng ngày ấy đã được tập hợp thành hai tập “Trong vòng dây kẽm gai” và “Mầm xanh”. Đó không chỉ là tài liệu tuyên truyền mà còn là món ăn tinh thần vô giá động viên người cộng sản vượt qua những trận đòn tra tấn dã man, đấu tranh đòi lẽ sống.

Trong lao tù Phú Quốc/ Giặc tra tấn dã man/ Thân nát tan, còn trái tim rực sáng/ Ôi trái tim của người cách mạng/ Đã được tôi trong lửa đạn đấu tranh/ Dám hy sinh cả bản thân mình/ Quyết giữ lấy trái tim hồng cho Đảng... (Thơ gửi mẹ - Lê Thiên Tích).

2. Tôi đứng bên cột mốc kè Hoắc Châu, lặng lẽ cùng ông Tích ngắm sông Hồng. Ngã ba sông - nơi hợp lưu có lẽ là khúc rộng nhất; từ đây, dòng sông chảy hiền hòa hơn, qua Thủ đô xuôi ra biển cả. “Đất quê tôi dữ dằn nhưng đậm chất văn hiến” - Tôi nhớ một lần ông Tích nói như vậy và hình dung...

Ông Tích bỗng cất giọng trầm đục: “Vui thay! Ngã ba Hạc. Dưới họp một dòng/ Trên chia ba ngác/ Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào/ Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc...” rồi khoát tay:

- Quê tôi đấy! Cả khoảng rộng mênh mông trước mặt là ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà, sông Lô thành sông Hồng. Sang bên kia là Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), địa danh đã đi vào lịch sử và được người đời nhớ tới bởi nó gắn với Ngã ba Hạc phú của Nguyễn Bá Lân. Còn đây - ông ngoái lại, dãy quán cổ - nơi cụ Nguyễn Công Hoàn dạy học cho Nguyễn Bá Lân và đám học trò vùng bãi sông Hồng. Đất nghịch, nhưng đầy chất văn hiến đấy!

Ông lại tự hào khoe và vui chuyện kể: Cụ Nguyễn Công Hoàn - một người nổi tiếng văn chương được người đương thời suy tôn là một trong “Tràng An tứ hổ” (bốn con hổ của đất Tràng An) là cha của Nguyễn Bá Lân. Tài ba xuất chúng, nhưng con đường khoa cử của cụ Hoàn lận đận. Năm Nguyễn Bá Lân 15 tuổi, cụ Hoàn về dạy học ở quê. Cha dạy con học và cùng nhau xướng họa văn chương. Nguyễn Bá Lân là người ham mê đọc sách nên kiến thức uyên bác, có tài ứng đáp. Một hôm hai cha con qua đò sang Bạch Hạc, cha thách con: “Sang đến bên kia sông, nếu ta làm xong bài phú mà con chưa làm xong, ta sẽ ném con xuống sông và ngược lại”. Không ngờ, Nguyễn Bá Lân làm xong trước, trong khi cha mới làm được một nửa bài; nhưng con không dám ném cha xuống sông nên đã bị lãnh một trận đòn đau. Ngã ba Hạc phú chính là tác phẩm nổi tiếng được người đời truyền tụng - “Nhất độ giang thành chương phú” (Bài phú làm trên một chuyến đò qua sông) ra đời như thế!

Đường làng Hoắc Châu.


Cũng thật lạ. Cái tên làng Hoắc Châu thoạt nghe đã thấy trúc trắc, khơi gợi sự tò mò. Hồi ông Tích còn nhỏ đã nghe kể quán Hoắc Chu cổ kính 19 gian (có từ thời Trần) là nơi cụ Nguyễn Công Hoàn dạy học cho Nguyễn Bá Lân và đám học trò ven sông Hồng. Ngày nào ông và đám bạn chăn trâu cũng lân la tới sờ mó, ngó nghiêng và hỏi ra mới biết, sau ba lần bị cháy, bây giờ quán chỉ còn bảy gian nhưng cũng đã xuống cấp lắm. Ông dằn vặt, vì sao một di tích lịch sử có ý nghĩa như vậy mà không được trùng tu, nâng cấp? Lại nữa, khắp vùng bãi sông Hồng chạy từ Hoắc Châu, dọc sông Hồng xuôi về Minh Châu, Chu Minh của huyện Ba Vì, từng chịu biết bao nhiêu trận ngập lụt, làng mạc chìm trong lũ dữ của năm 1971, năm 1997; chỉ có những ngọn cây cao thoi thóp vùng vẫy với lũ sông Hồng. Lạ thay, ở nơi dữ dội ấy, vẫn tồn tại những cây cổ thụ to tướng ở bãi sông như một thông điệp của thiên nhiên và lịch sử muốn nhắn gửi lại, rằng còn cây là còn làng mạc, còn tiềm tàng vốn văn hóa...

Và ông cũng chính là người đã lên tiếng bảo vệ di tích quê hương qua những bài báo của mình.

3. Trở về địa phương xã Châu Sơn, chức Trưởng ban văn hóa xã ông gánh được mười năm rồi xin nghỉ. Lãnh đạo xã không dưới hai lần đề nghị ông tiếp tục. Nhưng cũng chỉ được thêm vài năm, ông tìm kế sinh nhai, nuôi con khôn lớn và rồi lại “vác tù và hàng... thôn”.

Quê thì nghèo, đường làng thì nát.
Khách đến nhà phải xin nước rửa chân...

Gần hai chục năm trước, ông Tích đảm nhận chức Chi hội trưởng CCB, Trưởng ban MT khu dân cư Hoắc Sơn, lúc đời sống của người dân ven sông Hồng còn nghèo xơ xác, quanh năm lo đối phó với lũ lụt. Xã phát động làm đường bê tông, không có người phụ trách tuyên truyền, ông xung phong, mở một kênh “chuyên đề” trên hệ thống truyền thanh của xã để vận động nhân dân. Vừa viết bài, vừa làm biên tập kiêm phát thanh viên, sà sã trong suốt một tháng, rồi ông cũng được trả công khi cái sự hô hào của mình đã “lọt” tai mọi người và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.

Cực nỗi, đường làm xong tháng trước, tháng sau lũ về. Bờ sông sụt lở, làng mất đất. Hai lăm hộ dân bỗng dưng thành vô gia cư, đỏ con mắt nhìn dòng sông ngoạm dần từng thớ đất, mà ngỡ như thịt trong cơ thể bị róc dần, bị nghiền nát. Đơn kêu cứu gửi lên xã, xã đợi huyện, huyện đợi tỉnh; không chịu nổi, ông liền huy động Chi hội CCB và Ban mặt trận khu dân cư lên tiếng. Đêm, ông trằn mình cùng dân làng chống chọi với bão lũ và nước sông dữ dằn; ngày, ông phi xe đi khắp nơi, “lôi” bằng được các cơ quan báo chí vào cuộc. Ít hôm sau, trên mặt báo đã có thông tin Hoắc Châu bị lở đất. Cũng may, sau nhiều lần “gõ chuông”, đến năm 2006 thì rẻo đất dữ dằn ở ngã ba sông Hồng đã nằm trong một dự án. Kè Hoắc Châu được đầu tư xây dựng, từ năm 2006 đến nay Hoắc Châu không còn thắc thỏm nỗi lo lũ nuốt đất như trước đây. Không biết có phải do kêu nhiều làm hà bá động lòng hay do dòng sông Hồng đã kiệt sức, chỉ biết rằng để có sự hiện hữu của hơn một cây số kè bê tông dọc bờ sông Hồng - ngay ngã ba sông này, người ta hiểu ở đó có sự quyết liệt của một người 18 năm ròng làm Chi hội trưởng Chi hội CCB và 14 năm làm Trưởng ban MT khu dân cư Hoắc Châu. Ông Tích tủm tỉm nói vui, đến năm 2009, khi chức Trưởng ban MT khu dân cư bắt đầu có phụ cấp thì tôi được nghỉ...

Từ ngôi nhà ba gian của ông Tích đến bờ sông Hồng chỉ cách vài bước chân, mỗi ngày không dưới mươi lần ông trở ra trở vào, lặng lẽ ngắm dòng sông. Ba năm trước mùa lũ về, dòng sông ùng ục sóng, nghĩ mà rùng mình. Cũng may, đất lở chỉ chấm đến vườn nhà ông rồi dừng lại. Còn nay, hạn hán nước cạn nhìn thấy đáy sông. Hà Bá đang trong cơn khát nước, đồng đất Hoắc Châu khô khỏng, chợt lo những mầm họa khác. Thế nên mỗi lần ra sông, đứng bên cột mốc kè Hoắc Châu, ông Tích lại cả nghĩ...

4. Đồng đội ơi, hãy tựa vai tôi! Tôi đã thốt lên như vậy khi thấy hàng trăm người từ các nơi tìm đến nhờ giúp đỡ, chứng nhận vào đơn đề nghị hưởng chế độ cho người bị địch bắt tù đày. Tôi hiểu đó là sự tín nhiệm, sự phó thác, mình không thể làm đồng đội mất lòng tin. Tôi đề nghị thành lập ban liên lạc để giúp đỡ giải quyết chế độ chính sách, thăm hỏi khi ốm đau vì thương tật tái phát, vì trái gió trở trời hoặc tiễn biệt nhau về nơi chín suối; hoặc giúp đỡ nhau về kinh tế, tìm việc làm cho con cái...

Ông trải lòng mình. Mỗi năm vài bận, đồng đội từ bản Dao Yên Sơn, Hợp Nhất (xã Ba Vì), từ bản Mường ở Khánh Thượng, Ba Trại, Yên Bài xuống; có người từ Đường Lâm đất hai vua lên. Có người đi được xe máy, xe đạp, nhưng không ít người vì sức tàn lực kiệt phải nhờ con cháu đưa tới. Có người không còn tay để bắt, nhiều người không còn mắt để nhìn, mới ngày nào còn đầu xanh mắt sáng, giờ đã lên ông, lên cụ. Mất mát nhiều nhưng điều ý nghĩa hơn cả là họ còn có nhau trong cuộc sống đời thường và khác với tất cả các nghi lễ rườm rà khi gặp mặt, họ sờ vai nhau, nước mắt xen lẫn nụ cười; rồi kể lại bao nhiêu chuyện về Ia Mơ, Ia Răng, Đắc Lắc; những Kon Tum, Đồng Xoài; cả những trận tra tấn bằng nhục hình phải nghiến đến gãy răng để kìm nén đau đớn ở ngục tù Phú Quốc...

Căn nhà đơn sơ của ông Tích cạnh kè Hoắc Châu lâu nay đã là tổ ấm để các cựu tù binh sẻ chia buồn vui trong đời thường. Riêng ông, lúc nào cũng trăn trở bởi địa bàn rộng, đồng đội thì đông (toàn huyện Ba Vì có tổng số gần 700 chiến sỹ bị địch bắt tù đày - cả chống Pháp và chống Mỹ) tuổi cao sức yếu, tiền không có, nhiều người chưa được làm kỷ niệm chương, nhiều người gia cảnh đặc biệt... mà ông là Trưởng ban không thể không day dứt. Nhưng nói như ông, khó đến mấy cũng phải làm bằng được kỷ yếu cho đồng đội để lưu lại như một minh chứng lịch sử và để mai sau cho con cháu...

Ngày ngày, ông Tích vẫn phi xe máy đi thăm đồng đội; trở về, ông không quên vòng vài lượt ra ngắm sông như một thói quen. Thói quen đó hẳn giúp ông nguôi ngoai nguồn cơn...

Bằng Giang