Bài toán không dễ có lời giải

Đời sống - Ngày đăng : 07:44, 08/07/2010

(HNM) - Hầu hết những người sau cai nghiện trở về cộng đồng đều không mặn mà với học nghề và tìm việc làm mới. Cần nói là rất ít doanh nghiệp có đủ tự tin để tuyển dụng những người đã cai nghiện. Đây là khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý việc làm và dạy nghề cho người nghiện sau cai ở các quận, huyện của Hà Nội.


Không tìm được việc làm
Qua tìm hiểu thực tế thì có tới 90% số người sau cai nghiện không mặn mà với việc học nghề, làm việc cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn do ngại học, ngại phải chấp hành các kỷ luật lao động. Họ chấp nhận cuộc sống buôn bán tự do. Có nhiều nguyên nhân mà trở ngại đầu tiên là trình độ học vấn và chất lượng dạy nghề. Khi đưa vào các trung tâm cai nghiện, người nghiện được tạo việc làm như mài đá mỹ nghệ, trồng rau xanh, nuôi gia cầm... Tuy nhiên, khi trở về cộng đồng đa số đều không sử dụng nghề đã được học, có rất ít người đã làm nghề thủ công nhưng lương không đủ chi tiêu nên đã bỏ cuộc. Do đó, họ bị rơi vào cảm giác hụt hẫng, mặc cảm và khả năng tái nghiện là rất cao.

Đây là những khó khăn không dễ giải quyết trong công tác quản lý. Theo một chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH quận Cầu Giấy thì kết quả bố trí việc làm cho người nghiện sau cai còn rất hạn chế. Năm 2009, quận đã liên kết với khu tiểu thủ công nghiệp, tổ chức các buổi tuyển dụng trực tiếp NLĐ sống trên địa bàn quận. Quận yêu cầu doanh nghiệp phải ưu tiên các đối tượng xã hội, trong đó có các đối tượng sau cai. Cụ thể là NLĐ có trình độ đại học, cao đẳng, được đào tạo nghề sẽ được tuyển dụng tối đa 70% số hồ sơ; lao động chưa qua đào tạo nghề, nông dân mất đất, người cai nghiện trở về sẽ được tuyển dụng 100% nhưng chỉ nhận được một bộ hồ sơ đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm 2010, quận đã phát ra 80 phiếu khảo sát về nhu cầu học nghề của người nghiện sau cai thì số nhận lại chỉ là 5 phiếu. Lý do đưa ra là NLĐ ngại việc, chê thu nhập thấp, không có sức khỏe, một số thì bận làm ăn, buôn bán nên không quan tâm.

Có mấy doanh nghiệp mặn mà?
Có thể nói, rất ít doanh nghiệp có ý định tuyển dụng lao động đã từng nghiện ma túy. Một nhân viên chuyên về mạng điện thoại di động (đã cai nghiện được 3 năm) cho biết, đã thất bại sau nhiều lần xin việc do quá trình phỏng vấn bản thân đã để lộ là trước đây từng nghiện ma túy. Rút kinh nghiệm, với công ty mới này, anh đã được nhận vào làm việc với lý lịch "sạch". Hiện tại, anh đang làm việc với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Tại nhiều cuộc họp về việc làm và dạy nghề cho người nghiện sau cai, một số doanh nghiệp đã hứa hẹn sẽ có ưu đãi cho đối tượng này, nhưng có lao động khi đi thi tuyển lại không có hiểu biết về nghề nên doanh nghiệp không thể nhận.

Doanh nghiệp Tuấn Khiêm, B93 phường Mai Dịch, Cầu Giấy là đơn vị đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo và giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai. Với mô hình dạy nghề sửa chữa, bảo dưỡng xe gắn máy giúp các em nghiện ma túy tái hội nhập cộng đồng sau cai, Tuấn Khiêm đã kết hợp với Câu lạc bộ B93, đồng thời kết hợp với Công ty VMEP (Đài Loan) mở các khóa đào tạo huấn luyện, nâng cao kỹ năng bảo dưỡng, sửa chữa và cuối khóa học cấp giấy chứng nhận KTV của SYM. Bên cạnh đó, khuyến khích các hội viên làm việc lâu dài với CLB thì mức lương sẽ được nâng dần lên cùng với tay nghề. Đáng nói là trong quá trình học nghề các em vẫn được hưởng lương, bảo đảm ổn định đời sống. Có thể nói Tuấn Khiêm là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện có hiệu quả mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện sau cai, ngoài ra giới thiệu cho nhiều em xin được làm việc tại các nơi khác như xưởng in thông tấn xã với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng; có em xin làm việc tại Sở Điện lực Hà Nội; một số mở cửa hàng dịch vụ riêng. Hiện tại, có những hội viên thuộc CLB B93 đã có mức lương tới 5,3 triệu đồng/tháng, người thấp nhất cũng 1,5 triệu đồng/tháng.

Thực tế, vấn đề giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Đó là một bài toán khó, phải có nghiên cứu cụ thể chứ không chỉ hô hào, kêu gọi trên lý thuyết. Cần có sự đồng thuận và sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp, ngành và cả cộng đồng.

Kim Vũ