Xuất khẩu gạo và an ninh lương thực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 08/07/2010
Đáng chú ý là cùng lúc với khả năng mất mùa ở miền Trung thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nông dân đang đứng trước nguy cơ rớt giá lúa mà nguyên nhân chính là giống lúa hè thu IR 50404 (giá rẻ, từ Campuchia tràn sang) có chất lượng rất kém. Mặc dù trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã cảnh báo không nên trồng giống lúa nói trên, vì phẩm chất thấp. Tuy nhiên, vụ đông xuân trước, do nhiều đơn vị xuất khẩu gạo và thương lái, vì lợi ích cục bộ, chỉ xuất khẩu gạo 25% tấm nên tập trung thu mua gạo loại này, khiến nông dân đua nhau trồng giống lúa IR 50404. Thế nên vụ này, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ trắng tay bởi chất lượng gạo thấp không thể nào bán giá cao.
Rõ ràng là nông dân vùng trồng lúa lớn nhất nước vì theo đuổi lợi ích bề nổi của thị trường mà đã làm ngơ trước những khuyến cáo của VFA. Trong khi đó, chính các đơn vị xuất khẩu gạo cũng không có được hệ thống thu mua hợp lý trên cơ sở liên kết với người sản xuất để nâng cao giá trị gạo xuất khẩu và trực tiếp góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nhìn lại thị trường gạo quốc tế, người ta thấy Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất - đang có xu hướng giảm với con số năm nay là 8 triệu tấn, kém 0,6 triệu tấn so với năm trước. Trong khi đó, Việt Nam có thể đạt sản lượng xuất khẩu 6 triệu tấn. Tuy nhiên, giá gạo của Thái Lan cao hơn từ 70 đến 120 USD/tấn khiến ta lại phải đặt vấn đề cần nâng cao chất lượng gạo 5% tấm xuất khẩu. Và đó phải là câu chuyện liên kết hợp tác chặt chẽ hơn giữa người sản xuất, nhà xuất khẩu và người cung ứng giống lúa mới thích hợp. Tiếc thay, đến nay, việc rớt giá lúa giống cũ nhưng được nông dân trồng quá nhiều, khiến nguồn cung cho xuất khẩu giảm, người sản xuất thua thiệt thì khả năng tái cơ cấu giống hợp lý cho vụ tới trở nên khó khăn hơn.
Lường trước những vấn đề trên, Chính phủ đã sớm có kế hoạch mua tạm trữ hàng triệu tấn gạo cho xuất khẩu và sẵn sàng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Khả năng tiêu thụ loại gạo IR 50404 là dồi dào một khi các cơ quan có trách nhiệm sớm có kế hoạch hợp lý tích trữ để khi cần có thể sử dụng trong nước. Động thái này cũng là giúp nông dân nơi "trót" trồng loại giống lúa này có khả năng tiêu thụ, giảm sức ép về vốn tái sản xuất...
Bảo đảm an ninh lương thực kết hợp với đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay, khi mà những biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến nhiều ngành kinh tế - xã hội, trước hết là nông nghiệp, đòi hỏi phải có những biện pháp toàn diện, hợp lý với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và địa phương. Vượt lên, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới là một thành tựu của chúng ta, nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực chính là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trước hết là những nhà xuất khẩu khi họ buộc phải thực hiện các nghĩa vụ trước người sản xuất và cộng đồng chứ không thể chỉ nhằm lợi ích cục bộ.