Bài 2: Cuộc “đại phẫu” cần thiết
Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 06/07/2010
Tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin là việc làm cần thiết để duy trì, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Trong ảnh: Tổ hợp các tổng đoạn đóng tàu thuộc Tập đoàn Vinashin. Ảnh: TTXVN |
Trong thông cáo báo chí gần đây, Bộ GTVT đánh giá Vinashin có công lớn trong việc mở rộng thị trường đóng tàu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển trong ngành công nghiệp này. Năng lực chế tạo, đóng mới tàu biển Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ đóng tàu vài nghìn tấn, trong một thời gian ngắn đã có khả năng đóng tàu trên 100 nghìn tấn, tàu chở dầu thô từ 100 nghìn đến 300 nghìn tấn... trình độ kỹ thuật, công nghệ của các ngành công nghiệp phụ trợ cũng có bước phát triển khá mạnh mẽ.
Đáng tiếc, khi Vinashin đang trên đà phát triển thì cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 nổ ra và đã tác động mạnh đến tập đoàn. Vinashin đã không thể huy động được nguồn vốn vay nước ngoài, trong khi cam kết vốn của một số ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước bị hủy khiến việc bố trí vốn cho các dự án đang đầu tư gặp nhiều khó khăn. Các chủ tàu đã đặt hàng gặp khó khăn về tài chính nên đề nghị hủy hợp đồng, giãn tiến độ, thời gian thanh toán… càng khiến Vinashin lao đao. Cũng không thể không kể tới, Vinashin là doanh nghiệp đi đầu thí điểm thành lập tập đoàn nên gặp không ít bỡ ngỡ trong "chiếc áo" mới.
Phân tích của Bộ GTVT không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, việc đầu tư dàn trải, tham gia vào nhiều lĩnh vực "sở đoản" mới là nguyên nhân chính khiến Vinashin rơi vào hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Có thể ví Vinashin phát triển nhanh, mạnh thời gian qua như sức phát triển của chàng trai mới lớn, chưa hội đủ những yếu tố cần thiết, đặc biệt là kỹ năng, kinh nghiệm để có thể "bơi biển" một mình.
Trong buổi họp báo mới đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn nêu rõ, nguyên nhân chính là do Vinashin đầu tư dàn trải, quản lý yếu kém. Thời gian qua, Vinashin "nổi lên" như một đại gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau ngoài ngành nghề chính. Nhưng việc đầu tư của tập đoàn này dường như quá tham vọng và vượt quá năng lực, giới hạn của mình. Khi "đuối sức", tập đoàn này cũng không muốn "nhả" bớt để đủ sức vượt sóng dữ.
Trả lời phỏng vấn một cơ quan báo chí gần đây, bà Phan Thị Hòa, Ủy viên HĐQT, Trưởng ban Kiểm soát, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trước khi Chính phủ chưa có ý kiến về việc tái cơ cấu Vinashin, Tập đoàn Dầu khí đã làm việc, đề nghị Vinashin chuyển nhượng một số dự án, nhưng Vinashin không đồng ý. Giờ đây, những dự án mà Tập đoàn Dầu khí có nhã ý mua lại của Vinashin đều nằm trong danh mục Thủ tướng yêu cầu chuyển giao. Việc bỏ đi những "đứa con" nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của mình rõ ràng là điều không ai mong muốn, nhưng nhìn ở bình diện cao hơn, thì đó là điều hết sức cần thiết để cứu cả con tàu đang trong cơn bão dữ.
Ông Muôn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Vinashin kiểm điểm trách nhiệm cá nhân HĐQT, Ban Giám đốc và người đứng đầu các doanh nghiệp thành viên để xử lý sai phạm.
Chuyện phải tái cơ cấu Vinashin với khoản nợ khổng lồ rõ ràng là điều không mấy vui, bởi dù dưới tên tổng công ty hay tập đoàn thì đây cũng là tiền của nhà nước, của nhân dân. Nợ không hẳn đã phải là xấu bởi có những khoản "nợ tích cực" khi chủ thể vay đang phát huy tốt đồng vốn, làm ăn có lãi. Trong các khoản nợ của Vinashin chắc hẳn cũng có những khoản nợ tốt, nhưng để đến mức tái cơ cấu, san bớt nợ cho doanh nghiệp khác là điều chẳng ai mong đợi. Được biết, việc tái cơ cấu sẽ giúp cùng lúc đạt 4 mục tiêu: duy trì, phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu biển; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã, đang đầu tư; không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng; bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động. Chẳng có cuộc đại phẫu nào mà không đau đớn, nhưng thà đau một lần rồi qua cơn bạo bệnh, còn hơn lay lắt, chết mòn.