Đối mặt với hạn hán, dịch bệnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:21, 06/07/2010
* Tại miền Bắc và miền Trung hạn hán gay gắt chưa từng có trong vòng 50 năm qua
* Hà Nội nằm trong tốp đầu của 16 tỉnh, thành phố thiệt hại nặng nề do dịch bệnh
(HNM) - Bộ NN&PTNT dành trọn ngày 5-7 để mổ xẻ công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua đã vượt qua đỉnh điểm khó khăn do hạn hán, nắng nóng bất thường của thời tiết cũng như dịch bệnh trên đàn gia súc xảy ra ở nhiều địa phương. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến còn tỏ ra quan ngại khi thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong năm nay sẽ vô cùng gian nan. Và ngay tại Hà Nội, thời gian qua ngành NN&PTNT cũng chịu tác động của không ít khó khăn, thách thức.
Lắp đặt trạm bơm chống hạn tại xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai. ảnh: Bá Hoạt |
Hoàn thành trong gian nan
6 tháng qua, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 103.387 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản xuất nông nghiệp đạt gần 76.000 tỷ đồng, lâm nghiệp đạt 3.400 tỷ đồng, thủy sản đạt 24.112 tỷ đồng. Có thể nhìn nhận khách quan, về cơ bản tốc độ tăng trưởng trong khu vực nông, lâm, thủy sản đạt cao hơn so với năm trước. Đây chính là sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sản xuất. Tuy nhiên, kết quả đạt được của ngành nông nghiệp chưa như mong muốn so với tiềm năng vốn có. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Trang Hữu Dũng khẳng định, 6 tháng đầu năm nay, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nắng nóng khô hạn kéo dài trên diện rộng, dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi xuất hiện tại nhiều địa phương. Dịch bệnh lợn tai xanh xảy ra tại 16 tỉnh, thành phố làm hơn 250.000 con lợn bị mắc bệnh phải thiêu hủy, thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Tại miền Bắc và miền Trung, nông dân đang phải đối mặt với hạn hán gay gắt kéo dài chưa từng có trong vòng 50 năm qua, cùng với đó là tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh, thành phía Nam. Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, tại các tỉnh Trung Trung bộ, hơn 100.000ha đang thiếu nước gieo cấy lúa vụ mùa và hè thu. Nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, cuộc sống người dân bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt và gồng mình chống hạn cứu diện tích lúa đã cấy. Ngoài ra, lĩnh vực trồng trọt còn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Không chỉ tác động, gây thiệt hại đến lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, thời tiết khô hạn kéo dài từ đầu năm đến nay đã gây ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng, diện tích thiệt hại khá lớn. Thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đã xảy ra 884 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 6.348ha, tăng 4,5 lần so cùng kỳ năm ngoái. Hiện, không ít địa phương vẫn đang trong tình trạng báo động nguy cơ cháy rừng cao. Trong khi đó, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy vẫn chưa chấm dứt…
Nông dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn đào mương dẫn nước chống hạn. Ảnh: Khánh Nguyên |
Hà Nội vật lộn với khó khăn
Hà Nội là một trong những địa phương chịu tác động không nhỏ của hạn hán và dịch bệnh tai xanh. Có những thời điểm mực nước sông Hồng cạn trơ đáy, xuống thấp kỷ lục trong vòng 200 năm qua khiến 15.000ha lúa xuân của nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội thiếu nước tưới dưỡng. Hầu hết các trạm bơm, cống tự chảy trên địa bàn không hoạt động, việc tạo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống máy bơm dã chiến. Vụ mùa này, hàng trăm hécta lúa của Hà Nội đang có nguy cơ thiếu nước. Cùng với đó là dịch lợn tai xanh xảy ra trên địa bàn 50 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, làm 10.900 con lợn mắc bệnh, số lợn chết và tiêu hủy gần 5.100 con, làm giảm tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng qua xuống 2,7%. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng lợn mắc bệnh, bị chết và tiêu hủy vì dịch tai xanh đứng đầu trong 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Trong khi dịch tai xanh chưa được khống chế, lĩnh vực chăn nuôi còn phải đối mặt với giá nguyên liệu tăng mạnh từ đầu năm đến nay khiến nông dân lao đao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra năm 2010, Hà Nội và các địa phương cần nỗ lực triển khai các biện pháp chống hạn, phòng trừ dịch bệnh để duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng nhận định, từ nay đến cuối năm thiên tai diễn biến hết sức phức tạp. Đối với các tỉnh duyên hải miền Trung, trước mắt cần nhanh chóng đối phó có hiệu quả với tình trạng hạn hán, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và có ngay đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho vụ thu đông, coi đây là vụ sản xuất chính. Các địa phương cần chủ động sẵn sàng triển khai phương án chống bão, lũ bảo vệ mùa màng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân cần thực hiện không giấu dịch, không bán chạy, không giết mổ gia súc bị bệnh, không vứt xác lợn bị bệnh bừa bãi ra môi trường làm lây lan dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường, không kinh doanh, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc...