Chung cư cao tầng - nhiều bất an!

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 06/07/2010

(HNM) - Cuối tháng 6-2010, tại Khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) xảy ra một vụ tai nạn rất thương tâm. Nạn nhân là một cháu bé 3 tuổi bị tử vong do ngã từ tầng 5 xuống đất. Đây là vụ tai nạn thứ hai tại Hà Nội có liên quan đến sự an toàn của hệ thống lan can ở các khu nhà cao tầng. Trước đó, vụ hỏa hoạn tại một chung cư cao 18 tầng thuộc địa bàn quận Thanh Xuân cũng đã khiến 2 người tử vong.

Theo số liệu công bố mới đây của cảnh sát PCCC - Công an Hà Nội, hiện chỉ có 172/368 (chưa đầy 50%) nhà chung cư cao tầng được cơ quan này cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC. Tương tự như vậy, ở TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã kiểm tra 20 chung cư, siêu thị, cao ốc từ 10 tầng trở lên thì gần như 100% đều có vi phạm về công tác an toàn PCCC. Đặc biệt, nhiều nơi từng được kiểm tra và xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Qua phân tích, 176 lỗi vi phạm tập trung vào hệ thống thoát hiểm và điện không bảo đảm an toàn, phương tiện PCCC thiếu hoặc không đạt chất lượng...

Hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những khu chung cư, những tòa nhà cao tầng sử dụng làm trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng... mọc lên ngày càng nhiều. Đó là xu thế tất yếu phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Và chắc chắn, tốc độ xây dựng và làn sóng đô thị hóa sẽ còn lan nhanh tới mọi vùng miền của đất nước. Bên cạnh những mặt tích cực vốn là "bề nổi" dễ nhận thấy thì ẩn trong đó không ít những lo ngại về sự mất an toàn đối với tính mạng con người.

Trước hết là sự làm ăn thiếu trách nhiệm của nhiều chủ đầu tư, vì lợi nhuận họ sẵn sàng gạt ra khỏi thiết kế các hạng mục bảo đảm sự an toàn. Thiết bị, phương tiện PCCC ở nhiều nơi chỉ là hình thức, không bảo đảm chất lượng. Tương tự như vậy là đường thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra, rồi hệ thống thang máy, đèn chiếu sáng, thiết bị báo cháy...

Hệ thống dây điện chạy chìm ở nhiều khu nhà nhiều khi bị bớt xén, không đủ công suất chịu tải cũng là nguyên nhân gây nên nhiều vụ hỏa hoạn từ việc chập, cháy điện. Ngay như hiện tượng nhìn thấy dễ nhất là hệ thống lan can, cửa sổ trong từng căn nhà không bảo đảm tiêu chuẩn, quy cách an toàn (không bảo đảm độ cao tối thiểu là 1,4m, không được hở chân hoặc phải có song sắt bảo vệ...). Chỉ cần bớt ở mỗi danh mục một vài cái "gạch đầu dòng" thì các nhà đầu tư, những đơn vị thi công đã có thể có thêm không ít lợi nhuận bỏ túi.

Trong khi đó, về mặt lý thuyết, những tiêu chuẩn an toàn nêu trên đều đã được quy định đầy đủ trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về "Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe". Tuy nhiên, hiệu lực của nó chưa phát huy trong thực tế bởi những lý do mà các cơ quan quản lý đưa ra về cơ chế (chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe), thiếu nhân lực (con người), thiếu phương tiện, kinh phí...

Thế nên, vẫn có quy định, tiêu chuẩn, vẫn có cơ quan quản lý, giám sát nhưng cuối cùng những tòa nhà ẩn chứa nhiều bất an về sự an toàn của tính mạng con người vẫn mọc lên từng ngày. Số liệu, kết quả những đợt kiểm tra đều thấy công bố, nhưng xử lý cụ thể từng trường hợp vi phạm như thế nào thì… còn phải chờ.

Trở lại những số liệu khô khan đã nêu ở đầu bài viết, chắc chắn nếu mọi chuyện cứ diễn ra như vậy thì những vụ tai nạn thương tâm sẽ không dừng lại. Vì vậy, câu chuyện không bảo đảm an toàn cho con người cứ treo lơ lửng trên các khu cao tầng.

Hoàng Thu Vân